1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đường hầm dài nhất thế giới chạy xuyên biển Baltic hoàn thiện một phần

An Hoàng

(Dân trí) - Nằm sâu 40m dưới biển Baltic, hầm đường bộ kiêm đường sắt dài nhất thế giới nối liền Đan Mạch và Đức dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2029.

Đường hầm dài nhất thế giới chạy xuyên biển Baltic hoàn thiện một phần - 1

Đường hầm xuyên biển Baltic đang trong quá trình thi công và dự kiến hoàn tất vào năm 2029 (Ảnh: Feman AS).

Đoạn đầu tiên của đường hầm Fehmarnbelt chính thức được khánh thành vào ngày 17/6, khoảng 4 năm sau khi khởi công vào năm 2020.

Đường hầm này có chiều dài tới 18km, là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu với kinh phí xây dựng khoảng 7,1 tỷ USD.

Đường hầm Fehmarnbelt sẽ được xây dựng trên vành đai Fehmarn, một eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và Lolland của Đan Mạch, và được thiết kế nhằm thay thế dịch vụ phà hiện chuyên chở hàng triệu hành khách mỗi năm. Theo đó, khoảng thời gian vượt biển sẽ được rút ngắn từ 45 phút bằng phà như hiện tại xuống còn 7 phút đi tàu và 10 phút đi ô tô.

Đường hầm có tên chính thức là Fehmarnbelt Fix Link, là hầm đường sắt kết hợp đường bộ dài nhất thế giới. Công trình này sẽ bao gồm 2 đường cao tốc 2 làn và 2 đường ray điện khí hóa.

Đường hầm dài nhất thế giới chạy xuyên biển Baltic hoàn thiện một phần - 2

Đường hầm Fehmarnbelt nằm trên eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và Lolland của Đan Mạch (Ảnh: Femern A/S).

Jens Ole Kaslund, Giám đốc Kỹ thuật của Femern A/S, công ty chịu trách nhiệm về dự án trên, cho biết: "Mất khoảng 4 tiếng rưỡi để bạn đi tàu từ Copenhagen đến Hamburg, nhưng khi công trình này đi vào vận hành, bạn sẽ chỉ cần 2 tiếng rưỡi".

Cũng theo ông Kaslund, đường hầm sẽ có tác động tích cực đến ngành dịch vụ xe tải chở hàng và tàu hỏa vì rút ngắn tuyến đường bộ giữa Thụy Điển và Trung Âu hơn 160km so với hiện nay.

Ý tưởng về dự án bắt đầu từ năm 2008, khi Đức và Đan Mạch ký thỏa thuận xây dựng đường hầm. Hơn một thập kỷ sau đó, hai nước mới thông qua các đạo luật, cũng như hoàn tất nghiên cứu về tác động xoay quanh vấn đề địa kỹ thuật và môi trường.

Theo Newsweek