1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dựng tượng đài “nàng” chó tiên phong bay vào vũ trụ

(Dân trí) - Giới chức Nga hôm qua đã tiết lộ tượng đài tưởng niệm “nàng” chó Laika, con chó được cho là đã mở đường cho con người bay vào vũ trụ hơn 50 năm về trước.

Tượng đài nhỏ được đặt gần một cơ quan nghiên cứu quân sự ở Mátxcơva, nơi chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của Laika vào ngày 3/11/1957. Tượng đài khắc họa hình ảnh Laika đứng trên đỉnh của một quả rocket.

 

Tại thời điểm Laika thực hiện sứ mệnh của mình, người ta vẫn chưa biết gì nhiều về tác động của các chuyến bay vũ trụ đối với những sinh vật sống. Một số cho rằng các sinh vật sẽ không thể sống sót nổi khi tàu vũ trụ được phóng lên, hoặc không thể sống sót trong điệu kiện ngoài vũ trụ. Vì vậy các kỹ sư vũ trụ Liên Xô khi đó coi các chuyến bay của những con chó là “tiền thân” cho các chuyến bay của con người.

 

Tất cả các con chó được dùng trong chương trình không gian của Liên Xô đều là chó lai, bởi họ cho rằng chúng có khả năng thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt nhanh hơn. Ngoài ra, tất cả đều phải nhỏ bé để có thể vừa với khoang nhỏ xíu trên vệ tinh được phóng lên.

 

“Nàng” Laika 2 tuổi được chọn chỉ trước khi chuyến bay cất cánh có 9 ngày.

 

Câu chuyện chung quanh việc lựa chọn Laika khá khác nhau. Một số người nói Laika được chọn do “nàng” ưa nhìn – một “nhà” tiên phong trong ngành không gian của Liên Xô dĩ nhiên là phải ăn ảnh! 

 

“Laika lặng lẽ và quyến rũ”, bác sỹ Vladimir Yazdovsky đã viết như vậy trong cuốn biên niên của ông về các câu chuyện liên quan đến y học trong ngành không gian của Liên Xô. Ông nhớ trước khi đến bệ phóng, ông đã mang Laika về nhà để nó chơi với các con ông. “Tôi muốn làm gì đó tốt đẹp với cô nàng: Cô nàng còn rất ít thời gian để tận hưởng cuộc sống”, Yazdovsky viết.

 

Vệ tinh đưa Laika vào quỹ đạo được xây dựng,  phát triển trong vòng chưa đầy một tháng sau khi Liên Xô đưa được vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào quỹ đạo (vào ngày 4/10/1957). Do trục trặc kỹ thuật ở phút cuối, Laika đã phải đợi ở trong cabin ở bệ phóng tới ba ngày. Nhiệt độ xuống thấp, các công nhân đã phải làm nóng cabin qua một đường ống.

 

Khi Laika tới quỹ đạo, các bác sỹ đã thở phào nhẹ nhõm khi thấy nhịp tim của cô nàng vẫn đập, mặc dù đã tăng cao từ khi bắt đầu được phóng đi. Và huyết áp của Laika cũng bình thường. Đặc biệt, cô nàng còn ăn phần thức ăn đã được chuẩn bị trước.

 

Theo thông báo chính thức của Liên Xô, Laika đã lịm đi sau một tuần.

 

Tuy nhiên, khi Liên Xô sụp đổ, một số người tham gia dự án cho biết, thực ra Laika đã được tiêm thuốc để có thể chết một cách nhẹ nhàng. Song có vẻ như Laika đã chết vì sức nóng sau vài giờ trên quỹ đạo.

 

Rất nhiều con chó đã chết trong các vụ phóng thử thất bại. Sau đó trong các chuyến du hành vũ trụ thành công, cũng có con trở về trái đất an toàn, như con chó Belka và Strelka, thực hiện chuyến bay vào tháng 8/1960.

 

Sau vài chuyến bay thử nghiệm với chó, Liên Xô đã đưa được người đầu tiên lên vũ trụ, đó là nhà du hành nổi tiếng Yuri Gagarin, vào ngày 12/4/1961.

 

Trang Thu

Theo AP