1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đụng độ đẫm máu tại biên giới Armenia-Azerbaijan: Baku cáo buộc Armenia nã pháo

(Dân trí) - Azerbaijan đã nêu điều kiện ngừng bắn tại vùng Nagorno-Karabakh, tuyên bố rằng Armenia phải rút quân khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng”. Baku tối qua cũng cáo buộc các binh sĩ Armenia nã pháo vào các khu vực tây nam và tây bắc của đường giới tuyến.


Cuộc đụng độ tại Nagorno-Karabakh gần đây đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng (Ảnh: RT)

Cuộc đụng độ tại Nagorno-Karabakh gần đây đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng (Ảnh: RT)

“Theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Armenia phải rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ chiếm đóng và trả lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đầy đủ của Cộng hòa Azerbaijan, được quốc tế công nhật”, Khikmet Gadzhiev, người đứng đầu bộ phận báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngày 4/4 cho biết.

Các cuộc đụng độ dữ dội bùng phát đã bùng phát giữa người Azerbaijan và người Armenia hôm 2/4 tại khu vực Nagorno-Karabakh, làm ít nhất 30 binh sỹ của hai bên thiệt mạng.

Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ thuộc Azerbaijan. Nhưng dân cư Nagorno-Karabakh đa số là người Armenia, được hỗ trợ bởi Cộng hòa Armenia, chống lại Cộng hòa Azerbaijan. Vào tháng 12/1991, cộng đồng Armenia chiếm đa số bỏ phiếu tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan và và tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh đến tháng 1/1992.

Các cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh đầu những năm 1990 đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các bên tham chiến đến nay vẫn không ký hiệp định hòa bình, cho dù chấp thuận ngừng bắn năm 1994. Cho đến nay, các bên vẫn chưa đi đến một giải pháp lâu dài cuộc xung đột, bất chấp các nỗ lực trung gian do Nga, Pháp và Mỹ đứng đầu.

Liên quan tới tình hình hiện thời tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elmar Mamediarov đã gửi thư tới một loạt tổ chức quốc tế, ông Gadzhiev cho biết. Thư cũng được gửi tới người đứng đầu NATO và Liên hợp quốc, cũng như Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại-an ninh của Liên minh châu Âu (EU) để thông báo về “các vụ nã pháo liên tiếp của quân đội Armenia nhằm vào các khu đông dân cư, gây ra cái chết của các dân thường”.

Theo ông Gadzhiev, quan điểm của Baku là “hòa bình”, trong khi Armenia tiếp tục nã pháo vào các vị trí và khu vực dân cư của Azerbajan giữa lúc Azerbajan thông báo đơn phương ngừng các hoạt động thù địch.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 4/4 đã ra một thông báo khẳng định rằng phía Armenia tiếp tục nã pháo về phía Azerbaijan.

“Trong vụ giao tranh vào buổi sáng, 3 binh sĩ Azerbaijan đã thiệt mạng. Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết phía Armenia cũng bị tổn thất lớn, nhưng chưa có con số cụ thể nào được công bố”, trưởng đại diện của hãng tin Sputnik tại Azerbaijan Aziz Aliev hôm qua cho biết.

Các binh sĩ Armenia tại chốt kiểm soát giáp giới Azerbaijan

Theo thông tin của quân đội Azerbaijan, Armenia đang sử dụng các loại vũ khí cỡ nòng lớn, trong đó có các thiết bị phóng lựu đạn và pháo cối.

Cùng lúc đó, Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã công bố hình ảnh về cuộc phản công của quân đội nước này nhằm vào chốt chỉ huy của quân đội Armenia. Một video cho thấy địa điểm này bị phá hủy trong một cuộc tấn công.

Bộ Quốc phòng Armenia sau đó nói rằng nước này tiến hành một “cuộc tấn công thích hợp” nếu Azerbaijan tiếp tục nã pháo vào vùng Nagorno-Karabakh.


Vùng Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây Azerbaijan (Đồ họa: AFP)

Vùng Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây Azerbaijan (Đồ họa: AFP)

Trong khi đó, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan tuyên bố Armenia sẽ tiếp tục trợ giúp đảm bảo an toàn cho người dân vùng Nagorno-Karabakh và sẽ công nhận sự độc lập của vùng này nếu các hoạt động quân sự trong khu vực leo thang.

“Là một bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994, Cộng hòa Armenia sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo an toàn cho người dân tại Nagorno-Karabakh. Ngoài ra, tôi đã đề nghị Bộ Ngoại giao bắt đầu thực hiện một hiệp ước quân sự với Karabakh”, Tổng thống Sargsyan tuyên bố hôm qua.

Phát biểu trước các đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Sargsyan cảnh báo rằng nếu hành động quân sự trong khu vực, Armenia sẽ “công nhận sự động lập của Nagorno-Karabakh”. Ông này nói thêm rằng sự leo thang của xung đột không chỉ đe dọa “an ninh và sự ổn định tại Nam Caucasus mà còn toàn bộ khu vực châu Âu”.

Ông Fikret Sadykhov, nhà cựu ngoại giao và hiện là nhà phân tích chính trị kiêm giáo sư tại Đại học Baku Western, cho hay Baku sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình. Khẳng định Azerbaijan không phải là bên gây hấn, ông Sadykhov bày tỏ hi vọng rằng với sự tham gia của cộng đồng quốc tế, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh sẽ không biến thành một “cuộc chiến tổng lực”. Như vậy trong các cuộc xung đột 2 ngày qua, ít nhất 33 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương ở cả cả Azerbaijan và Armenia.

Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi Azerbaijan và Armenia ngừng ngay các hành động thù địch trong khu vực và tìm kiếm và một giải pháp hòa bình. Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Nga đều đã liên lạc với những người đồng cấp Azerbaijan và Armenia, bày tỏ lo ngại về chuyển thông điệp của Tổng thống Vladmir Putin nhằm chấm dứt ngay tức thì việc vi phạm lệnh ngừng bắn, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết với báo giới ngày 4/4.

Gruzia đã tỏ ý sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải trong cuộc đàm phán giữa Azerbaijan và Armenia, Tổng tham mưu trưởng Gruzia Vakhtang Kapanadze cho biết, nói thêm rằng Gruzia là một trong những quốc gia có quan hệ tốt với cả hai nước.

An Bình