1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức nêu khả năng đưa quân tới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết ông sẵn sàng gửi binh lính Đức đến Ukraine để bảo vệ vùng đệm phi quân sự tại đây.

Đức nêu khả năng đưa quân tới Ukraine - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius (Ảnh: AFP).

Trong cuộc phỏng vấn với báo Suddeutsche Zeitung được công bố hôm 18/1, khi được hỏi về khả năng triển khai quân Đức đến Ukraine để giúp bảo vệ vùng đệm phi quân sự giữa Nga và Ukraine nếu thỏa thuận ngừng bắn được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết ông sẵn sàng xem xét khả năng này.

"Chúng tôi là đối tác NATO lớn nhất ở châu Âu. Rõ ràng, chúng tôi sẽ có vai trò trong việc đó", ông Pistorius nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết vấn đề này sẽ "được thảo luận vào thời điểm thích hợp".

Theo Bộ trưởng Pistorius, Nga đã kiểm soát "18 hoặc 19% lãnh thổ Ukraine". Nhưng mặc dù đã trải qua gần 3 năm xung đột, Nga "không giành được nhiều hơn" con số này và đã phải chịu "tổn thất lớn về lực lượng quân sự".

Bộ trưởng Pistorius cũng cho rằng Đức nên đặt mục tiêu chi khoảng 3% GDP cho quốc phòng. Hiện tại, Đức dành khoảng 2% GDP cho quốc phòng.

"Chúng ta nên nói nhiều hơn về 3% thay vì 2%", ông Pistorius cho biết.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn các thành viên của liên minh quân sự NATO dành 5% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ vì cho rằng mức đóng góp này quá cao.

Mùa hè năm 2024, Đức được cho là đang phát triển kế hoạch triển khai 800.000 quân Đức và quân đồng minh về phía Đông nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Quân đội sẽ sử dụng các cảng, đường cao tốc và đường sắt của Berlin để đến Ukraine.

Anh cũng từng tuyên bố nước này có thể triển khai quân tới Ukraine để đẩy lùi quân đội Nga. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây cho biết London không loại trừ khả năng gửi quân đến Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cắt viện trợ quân sự cho Kiev.

Tổng thống Séc gần đây cũng đã chấp thuận 40 đơn xin của công dân muốn chiến đấu cho Kiev, dù Séc chưa chính thức triển khai quân tới Ukraine. Hiện tại còn có hàng chục tình nguyện viên nước ngoài chiến đấu cho Ukraine đến từ Mỹ, Canada và các nước châu Âu khác.

Pháp cũng đề cập đến khả năng triển khai quân tới Ukraine và không loại trừ ý tưởng này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris không có kế hoạch triển khai quân đội kể từ mùa xuân năm ngoái, nhưng "không loại trừ bất kỳ kịch bản nào".

Đề cập về khả năng triển khai quân đội nước ngoài ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 10/1 kêu gọi các đồng minh đưa bộ binh đến Ukraine, tin rằng điều đó có thể buộc Nga chấp nhận hòa bình.

Ông Zelensky nói thêm rằng Ukraine và các đồng minh nên "có cách tiếp cận thực tế hơn để biến điều này thành hiện thực". Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng đã nghe thấy tín hiệu từ một số đối tác, như Anh, ủng hộ điều này. Chúng tôi phải mạnh dạn và khám phá việc sử dụng công cụ thực sự mạnh mẽ".

Báo Telegraph dẫn nguồn thạo tin ngày 16/1 cho hay, trong cuộc gặp vào tuần trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận có nên gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của 2 nước đến Ukraine hay không.

Một kịch bản được đề xuất là lập một vùng đệm phi quân sự theo đường ranh giới mới giữa Nga và Ukraine. Khu vực này sẽ được quân đội phương Tây hậu thuẫn để đảm bảo phần còn lại của Ukraine không bị Nga tấn công.

Tuy nhiên, Thủ tướng Starmer được cho là không hoàn toàn đồng tình với ý tưởng do Tổng thống Macron đề xuất. Phía Anh lo ngại về những mối đe dọa nếu lực lượng hòa bình của họ triển khai đến đây.

Theo AFP