1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đức đưa 13 máy bay quân sự tới Australia tập trận

Thành Đạt

(Dân trí) - Đức điều 13 máy bay quân sự tham gia cuộc tập trận chung ở Australia, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc trong khu vực.

Đức đưa 13 máy bay quân sự tới Australia tập trận - 1

Một máy bay chiến đấu Eurofighter của Đức cất cánh từ Laage, Mecklenburg-Western Pomerania vào tháng 7 (Ảnh: DPA).

Ngày 15/8, 6 máy bay chiến đấu Eurofighter đã cất cánh từ một căn cứ ở Neuburg an der Donau, miền nam Đức và 3 máy bay tiếp nhiên liệu A330 ở Cologne đã cất cánh đến Australia.

Tại Australia, các máy bay quân sự trên cùng 4 máy bay vận tải A400M rời đi trước đó sẽ tham gia cuộc tập trận 2 năm một lần Pitch Black cùng 16 quốc gia khác. Đây là đợt triển khai lớn nhất của Không quân Đức trong thời bình, theo Reuters.

Trong hành trình từ Đức tới Australia, bao gồm các chuyến bay tới Nhật Bản và Hàn Quốc, các phi công sẽ tiến hành gần 200 lần tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay chiến đấu, theo tham mưu trưởng không quân Đức Ingo Gerhartz.

Khi được hỏi liệu các máy bay chiến đấu của Đức có đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan, hai tâm điểm căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực hay không, ông Gerhartz cho biết các máy bay sẽ sử dụng các tuyến đường hàng không dân dụng và không có kế hoạch đi qua eo biển Đài Loan.

Ông Gerhartz nói rằng, việc triển khai các phương tiện quân sự tham gia tập trận nhằm gửi tín hiệu đến các đối tác của Đức chứ không phải Trung Quốc: "Tôi nghĩ chúng tôi không gửi bất kỳ thông điệp đe dọa nào với Trung Quốc bằng cách đưa máy bay tới một cuộc tập trận ở Australia".

Đại sứ Australia tại Đức Philip Green nhấn mạnh không có lý do gì Bắc Kinh coi một cuộc tập trận thường kỳ này là hành động gây bất ổn cho khu vực.

"Chúng tôi đang tìm kiếm một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng, cân bằng chiến lược, nơi mỗi quốc gia có thể quyết định chủ quyền của riêng mình", Đại sứ Green nói khi được hỏi về thông điệp dành cho Trung Quốc.

Năm ngoái, một tàu chiến của Đức đã đi vào Biển Đông lần đầu tiên sau gần 20 năm, một động thái cho thấy Berlin tham gia cùng các nước phương Tây khác trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh các nước ngày càng lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Trong khi đó, căng thẳng cũng gia tăng xung quanh eo biển Đài Loan khi Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc vào đầu tháng 8.

Đức phải đối mặt với một tình huống khó xử: Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất. Nếu Berlin có quan điểm rõ ràng nhằm phản đối những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, điều này có thể gây ra xung đột nghiêm trọng, trước hết là về kinh tế.

Dù công nhận nguyên tắc Một Trung Quốc, Đức vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Đài Loan. Berlin duy trì một văn phòng trên đảo được gọi là Viện Đức ở Đài Bắc.

Trong nhiều thập niên, các chính phủ Đức đã từ chối cung cấp vũ khí cho Đài Loan, nhưng hai bên vẫn hợp tác về kinh tế. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan ở châu Âu, với giá trị thương mại 22 tỷ euro vào năm 2021. Trong khi đó, khối lượng thương mại của Đức với Trung Quốc gấp 12 lần con số này.

Theo Reuters