1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thế khó của Đức trong căng thẳng leo thang Mỹ - Trung

Thanh Thành

(Dân trí) - Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã làm leo thang căng thẳng Mỹ - Trung và điều này cũng gây tác động không nhỏ đối với Đức.

Thế khó của Đức trong căng thẳng leo thang Mỹ - Trung - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong một lần gặp vào năm 2017, khi ông Scholz là thị trưởng thành phố Hamburg (Ảnh: DPA).

Khi Shieh Jhy-Wey nhìn ra cửa sổ văn phòng, anh có thể nhìn thấy Nhà thờ Đức ở Berlin. Từ nơi anh ngồi tại Văn phòng Đại diện Đài Bắc, chỉ mất nửa giờ đi bộ là đến Đại sứ quán Trung Quốc. Nhưng hai văn phòng hoàn toàn xa cách.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã làm leo thang căng thẳng giữa Bắc Kinh, Washington và Đài Bắc. Shieh nói với báo DW của Đức rằng, căng thẳng không chỉ đơn thuần giữa Đài Loan và Trung Quốc, mà là giữa "hai hệ thống giá trị".

Đức đang phải đối mặt với một tình huống khó xử: Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất. Nếu Berlin có quan điểm rõ ràng nhằm phản đối những nỗ lực của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, điều này có thể gây ra xung đột nghiêm trọng, trong đó trên hết là về mặt kinh tế.

Tuy nhiên, nếu Đức im lặng, điều này sẽ giống như sự phủ nhận việc tuân thủ chính sách đối ngoại "dựa trên giá trị". Nhưng dù thế nào, Berlin cũng khó có thể không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hôm 1/8, một ngày trước khi bà Pelosi đến Đài Loan, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tuyên bố trong khi đang tham dự một sự kiện tại Mỹ: "Chúng tôi không chấp nhận khi luật pháp quốc tế bị phá vỡ và việc một nước láng giềng lớn hơn gây sức ép với một nước/vùng lãnh thổ nhỏ hơn là vi phạm luật pháp quốc tế - và tất nhiên, điều đó cũng áp dụng cho Trung Quốc".

Hôm 2/8, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ đặt chân đến Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu Đại sứ Đức tại Bắc Kinh, Patricia Flor. Sau đó, bà Flor viết trên Twitter: Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đặng Lịch, tôi đã nhấn mạnh: Đức ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".

Dù công nhận chính sách Một Trung Quốc, Đức vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Đài Loan. Văn phòng Ngoại giao Đức cho biết trên trang web của mình rằng "các đối tác có giá trị quan trọng, được liên kết bởi các mối quan hệ chặt chẽ và đáng kể về kinh tế, văn hóa và khoa học".

Berlin duy trì một văn phòng trên đảo được gọi là Viện Đức ở Đài Bắc.

Chính phủ trung tả của Đức, lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, đã đưa ra lập trường đối với Đài Loan trong thỏa thuận liên minh: "Sự thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan có thể chỉ diễn ra một cách hòa bình và theo khuôn khổ chính sách 'Một Trung Quốc' của EU, chúng tôi ủng hộ sự tham gia có liên quan của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế".

Trong nhiều thập niên, các chính phủ Đức đã từ chối cung cấp vũ khí cho Đài Loan, nhưng hai bên vẫn hợp tác về kinh tế. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan ở châu Âu, với giá trị thương mại 22 tỷ euro vào năm 2021. Trong khi đó, khối lượng thương mại của Đức với Trung Quốc gấp 12 lần con số này.

Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng lớn

Tuy nhiên, sự cạnh tranh cường quốc giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến Đức.

Vào năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố trong một tài liệu chiến lược rằng Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh hệ thống. Vào năm 2020, chính phủ dưới thời Thủ tướng Angela Merkel đã thông qua các hướng dẫn mới, trong đó nhấn mạnh vào chính sách an ninh, quan hệ đối tác chiến lược và "tăng cường sức đề kháng giữa Trung Quốc và Mỹ".

Năm ngoái, hải quân Đức đã điều tàu khu trục nhỏ Bayern đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một tín hiệu cho Bắc Kinh rằng, Đức sẽ ủng hộ "các tuyến đường biển tự do và tuân thủ luật pháp quốc tế". Chính phủ mới của Đức đang thực hiện một chiến lược an ninh mới.

Kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, trong thời điểm Mỹ tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các nước châu Âu đã tìm mọi cách để tách khỏi Trung Quốc. Nhiều loại thuế quan từ thời người tiền nhiệm vẫn được áp dụng dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Nhà khoa học chính trị Josef Braml cho biết: "Ngay cả khi không có đối đầu quân sự, người châu Âu và đặc biệt là người Đức chúng tôi sẽ là những người phải hứng chịu sự tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc mà Washington đang thúc đẩy".

Nếu cựu Tổng thống Trump tái tranh cử và có thể đắc cử vào năm 2024, chuyên gia Braml cho rằng, EU sẽ cần chủ quyền chiến lược lớn hơn. Điều đó sẽ bao gồm một liên minh chính trị và quân sự mạnh mẽ hơn, sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, nhưng với tư cách là một đối tác.

"Nếu không thành công trong việc này, chúng ta sẽ chịu nhiều thiệt hại trong một cuộc đối đầu lớn giữa Mỹ và Trung Quốc", chuyên gia Braml nói.

Theo www.dw.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm