1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong bất chấp Trung Quốc cảnh báo

Thành Đạt

(Dân trí) - Đức trở thành quốc gia tiếp theo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong sau động thái tương tự của hàng loạt nước phương Tây nhằm phản đối dự luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc.

Đức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong bất chấp Trung Quốc cảnh báo - 1

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (Ảnh: DPA)

“Việc chính quyền Hong Kong quyết định loại bỏ nhiều ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử và hoãn bầu cử là hành động xâm phạm quyền của công dân Hong Kong”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 31/7 khi thông báo đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.

Ngoại trưởng Maas đưa ra tuyên bố trên sau khi Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam ngày 31/7 thông báo hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp một năm, dù cuộc bầu cử này dự kiến diễn ra vào tháng 9. Lý do bà Lam đưa ra cho quyết định hoãn bầu cử vì lo ngại rủi ro từ đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi nhiều lần bày tỏ rõ ràng mong muốn của chúng tôi rằng, Trung Quốc sẽ thực hiện các trách nhiệm pháp lý của họ theo luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Đức nói, đề cập tới việc bảo đảm các quyền theo Luật Cơ bản và luật bầu cử tự do và công bằng.

Quyết định của Đức được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên xem xét lại các thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong.

Hàng loạt quốc gia, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong.

Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả bằng cách chấm dứt hiệp ước dẫn độ giữa Hong Kong với Canada, Australia và Anh, cáo buộc các nước này "chính trị hóa việc hợp tác tư pháp với Hong Kong" và "làm tổn hại nghiêm trọng nền móng hợp tác tư pháp".

Bắc Kinh cho rằng Canada, Australia và Anh đã lợi dụng luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc như “một cái cớ để đơn phương tuyên bố dừng các hiệp ước dẫn độ” với Hong Kong.

Luật an ninh quốc gia mới trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Trong khi Bắc Kinh nói luật này nhằm ngăn chặn các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với nước ngoài đe dọa an ninh quốc gia, Mỹ và các đồng minh cho rằng luật an ninh quốc gia mới sẽ làm suy giảm mô hình “một quốc gia, hai chế độ” vốn đảm bảo sự tự chủ của Hong Kong với Trung Quốc đại lục.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm