1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức điều tra vụ rò rỉ cuộc họp kín về kế hoạch oanh tạc cầu Crimea

Quốc Đạt

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Đức cho biết họ đang kiểm tra xem liệu cuộc họp trực tuyến bí mật về chiến sự Ukraine có bị nghe lén hay không, sau khi một đoạn ghi âm được đăng trên mạng xã hội Nga.

Đức điều tra vụ rò rỉ cuộc họp kín về kế hoạch oanh tạc cầu Crimea - 1

Cầu Kerch vào năm 2019 (Ảnh: Rosavtodor).

"Chúng tôi đang điều tra xem liệu các đường dây liên lạc trong quân chủng không quân có bị đánh chặn hay không", một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức ngày 2/3 nói với AFP.

Một ngày trước, Tổng biên tập kênh RT của Nga, bà Margarita Simonyan, công bố đoạn ghi âm dài 38 phút chứa nội dung được cho là cuộc thảo luận giữa các sĩ quan Đức về việc tấn công Crimea.

Các nhân vật trong băng ghi âm đã thảo luận về khả năng lực lượng Ukraine sử dụng tên lửa Taurus do Đức sản xuất và tác động tiềm tàng đi kèm. Các chủ đề khác được nhắc đến bao gồm việc bắn tên lửa vào các mục tiêu như cây cầu then chốt nối bán đảo Crimea với đất liền Nga qua eo biển Kerch.

Chuyên gia nói với tạp chí Der Spiegel của Đức rằng họ tin đoạn ghi âm là có thật.

Kiev từ lâu đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus, có khả năng vươn tới mục tiêu ở khoảng cách lên tới 500km.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho đến nay vẫn từ chối chuyển tên lửa này cho Ukraine vì lo sợ làm xung đột leo thang.

Chính trị gia đảng Xanh Konstantin von Notz nói với đài truyền hình RND rằng: "Nếu câu chuyện này là thật, đây sẽ là việc rất có vấn đề. Câu hỏi đặt ra là liệu đây là sự cố một lần hay là vấn đề hệ thống".

Roderich Kiesewetter, chính khách thuộc phe bảo thủ đối lập, cảnh báo rằng có thể xuất hiện các đoạn ghi âm khác.

"Một số cuộc trao đổi khác chắc chắn là đã bị đánh chặn và có thể được tuồn ra sau này để phục vụ lợi ích của Nga", ông Kiesewetter nói với đài truyền hình ZDF.

Có thể giả định rằng "cuộc trao đổi được Nga cố tình tiết lộ vào thời điểm này vì mục đích nào đó", cụ thể là để "ngăn chặn việc Đức giao tên lửa Taurus", ông nói.

Theo Der Spiegel, cuộc họp trực tuyến bị rò rỉ đã được tổ chức không phải trên mạng nội bộ mật của quân đội mà trên nền tảng Webex.

Theo AFP