1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đức có thể mất ngôi vị nền kinh tế lớn thứ tư thế giới

An Hoàng

(Dân trí) - Khủng hoảng năng lượng khiến tốc độ tăng trưởng của Đức tiếp tục chậm lại. Nền kinh tế Đức có thể tụt lại sau Ấn Độ vào năm 2027, các chuyên gia dự báo.

Đức có thể mất ngôi vị nền kinh tế lớn thứ tư thế giới - 1

Kinh tế Đức tiếp tục tăng trưởng chậm (Ảnh minh họa: AFP).

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) mới được công bố, nền kinh tế Đức bị đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới. Dự kiến vào năm 2027, quốc gia này sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào tay Ấn Độ.

Cũng theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Đức bị đánh giá yếu đi là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

"Vấn đề nguồn cung ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất của Đức trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga đã khiến vấn đề này trầm trọng thêm", báo cáo của CEBR chỉ ra.

Cũng theo báo cáo, cú sốc giá năng lượng đã góp phần thúc đẩy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất EU. Mức tăng giá cả trong năm 2023 được dự báo khoảng 6,3%, thấp hơn so với mức 8,7% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình gần đây.

"Lạm phát tăng cao là một trong những nguyên nhân làm giảm sức chi tiêu và hạn chế hoạt động tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến các dịch vụ tiêu dùng", CEBR viết.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể giảm 0,4% trong năm 2023, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 nếu không tính năm đại dịch 2020. Nguồn cung, sức chi tiêu hạn chế và lãi suất thắt chặt là một trong những nguyên nhân của vấn đề này. CEBR dự báo kinh tế Đức sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024 với tốc độ 0,7%.

Ngoài ra, báo cáo của CEBR dự đoán GDP toàn cầu sẽ tăng hơn hai lần, chạm mốc 219 nghìn tỷ USD vào năm 2038. Điều này là nhờ "sự mở rộng của các nền kinh tế từng kém phát triển khi họ bắt kịp và vượt qua các quốc gia truyền thống giàu có". Việt Nam, Bangladesh và Philippines là những nước được điểm tên trong danh sách những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Theo RT