Dự luật mới và trách nhiệm nước lớn
Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua Dự luật an ninh gây tranh cãi với 148 phiếu thuận, 90 phiếu chống sau nhiều giờ thảo luận căng thẳng vào ngày 19/9 vừa qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự lễ duyệt binh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo Dự luật này, Chính phủ Nhật có thể triển khai lực lượng phòng vệ tham chiến bên ngoài lãnh thổ để hỗ trợ các quốc gia đồng minh, thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Trước đó, Nhật chỉ được phép sử dụng vũ lực tự vệ khi bị tấn công trực tiếp bởi hiến pháp hòa bình đối với quân đội Nhật cấm "sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế". Như vậy, sự kiện này đánh dấu sự thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của quốc gia này kể từ sau Thế chiến II.
Để Quốc hội thông qua các luật an ninh mới, Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền đã phải đối mặt với sự phản đối dữ dội của các đảng đối lập và những cuộc biểu tình liên tục ở Tokyo. Chỉ trích cũng đến từ bên ngoài, đặc biệt là các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc vốn bị ám ảnh bởi quân phiệt Nhật thời Thế chiến II nay lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt trong tương lai.
Lý do gì đã thôi thúc vị Thủ tướng có tầm nhìn chiến lược nỗ lực nới lỏng giới hạn của Hiến pháp và giúp ông kiên định đối diện với những làn sóng phản đối mạnh mẽ từ trong và ngoài nước như vậy?
Ông Abe khẳng định việc thông qua dự luật an ninh mới là rất cần thiết để "bảo vệ nhân dân, cuộc sống hòa bình và ngăn chặn chiến tranh". Rõ ràng, đối với chính Nhật Bản, dự luật an ninh mới trước hết khiến cho Nhật Bản tự chủ hơn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia thay vì phụ thuộc vào Mỹ. Ngày nay, trong bối cảnh Mỹ đang có nhiều cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ, phải gánh vác nhiều trách nhiệm quốc tế trong khi ngân sách có hạn thì việc ông Abe lo lắng về khả năng hỗ trợ của Mỹ một khi an ninh Nhật bị xâm phạm là hoàn toàn có cơ sở.
Hơn nữa, nguy cơ an ninh hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà còn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, phòng vệ tập thể cũng là để hướng tới bảo vệ an ninh quốc gia mình. Không ít lần CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, tên lửa bị coi là đe doạ không chỉ Hàn Quốc mà cả an ninh của các quốc gia xung quanh, trong đó có Nhật Bản.
Với dự luật mới, Nhật Bản có quyền đánh chặn những tên lửa đạn đạo bay qua bầu trời Nhật Bản dù đích ngắm tới Mỹ. Luật an ninh mới cũng cho phép lực lượng phòng vệ Nhật và lực lượng Mỹ hợp tác để thực hiện các chiến dịch giám sát, cảnh báo sớm về những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Xa hơn nữa là những bất ổn tại Trung Đông gây gián đoạn việc cung cấp dầu mỏ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này...
Không chỉ ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia, đã đến lúc Nhật Bản thể hiện trách nhiệm của một nước lớn trong các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. Lực lượng quân đội tân tiến của Nhật Bản sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc gìn giữ hoà bình, ổn định khu vực và nâng cao vai trò, vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế.
Có thể nói, thế giới không ngừng vận động và các thách thức an ninh ngày càng trở nên phức tạp, mối nguy cơ từ Nhật Bản được xác định cách đây 70 năm không còn phù hợp và cấp thiết nữa. Sự điều chỉnh chính sách đã cũ là điều dễ hiểu. Sau khi Dự luật được thông qua, Chính phủ Nhật Bản cần giám sát chặt chẽ các hoạt động của quân đội, đảm bảo chỉ tham chiến trong điều kiện Nhật hay quốc gia đồng minh thân cận bị tấn công, có thể đe dọa tới an ninh Nhật thì mới không phụ lòng những người ủng hộ dự luật này.
Theo Anh Vân
Thế giới và Việt Nam