1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Dư luận thế giới về thỏa thuận Hàn - Triều

(Dân trí) - Thoả thuận "tháo ngòi nổ" chiến tranh mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được trong đêm qua 24/8 là một thoả thuận mang tính bước ngoặt, giúp giảm căng thẳng vốn đã tăng lên mức “nghiêm trọng” giữa hai miền. Ngay lập tức, thoả thuận này đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.

 

Dư luận thế giới về thỏa thuận Hàn - Triều - 1

Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin (phải) và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so (Ảnh: Yonhap)

Thoả thuận mà Hàn Quốc và Triều Tiên vừa đạt được sau 43 giờ đàm phán không mệt mỏi gồm 6 điểm, chỉ rõ những biện pháp mà Seoul và Bình Nhưỡng cần thực hiện để hạ nhiệt những căng thẳng giữa hai miền. Thoả thuận mang tính bước ngoặt này trước hết đã làm hài lòng dư luận trong nội bộ đất nước Hàn Quốc khi nó đã xoá bỏ nguy cơ nước này xảy ra xung đột quân sự với Triều Tiên.

Phát biểu với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, người phát ngôn của đảng Saenuri cầm quyền Kim Young-woo nhấn mạnh tầm quan trọng của 6 điểm mà Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí trong thoả thuận, đồng thời hối thúc các bên thực thi nghiêm túc thoả thuận này.

“Thật may mắn vì cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã đạt được một thoả thuận quan trọng. Tôi mong rằng các gia đình Hàn Quốc có người thân bị ly tán ở Triều Tiên sẽ sớm được đoàn tụ trong thời gian tới. Tôi hy vọng từ đây mối quan hệ giữa hai miền sẽ bước sang một trang mới, hoà bình và hợp tác hơn.”, ông Kim Young-woo cho biết.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Saenuri, ông Kim Moo-sung cũng hoan nghênh thoả thuận này và coi đây là một bước ngoặt trong quan hệ giữa hai miền. Theo ông, thoả thuận là kết quả của sự đoàn kết dân tộc và sự phản ứng quyết liệt của Hàn Quốc trước những động thái từ phía Triều Tiên. Ông Kim Moo-sung bày tỏ hy vọng Seoul và Bình Nhưỡng sẽ cùng xây dựng một tương lai mới qua các cuộc đối thoại.

Có cùng quan điểm với các thành viên đảng cầm quyền, ông Kim Young-rok, người phát ngôn của đảng đối lập Liên minh chính trị mới vì Dân chủ, bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của cả Seoul và Bình Nhưỡng trong việc đạt được thoả thuận.

“Thoả thuận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là tại thời điểm này, vì nó giúp hai bên tránh được nguy cơ xung đột quân sự, cũng như bảo vệ được nền hoà bình thông qua đối thoại. Điều này không chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mà còn mở đường cho hai bên thúc đẩy mối quan hệ song phương”, ông Kim Young-rok cho hay.

Thoả thuận mà Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được sau 43 giờ đàm phán marathon không chỉ thoả mãn mong muốn của giới chức và người dân Hàn Quốc mà còn nhận được sự ủng hộ từ dư luận quốc tế. Từ thủ đô Washington, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ hoan nghênh thoả thuận quan trọng này, đồng thời khẳng định Washington sẽ tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Seoul để đảm bảo hoà bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi trân trọng nỗ lực không mệt mỏi của cả hai bên để đạt được thoả thuận này. Triều Tiên đã có những động thái khiến tình hình trở nên căng thẳng trong những ngày qua. Sau thoả thuận này, chúng ta hy vọng Bình Nhưỡng sẽ có hành động phù hợp, cụ thể là ngừng các hoạt động quân sự ở khu vực biên giới.”, ông John Kirby cho biết.

“Điều quan trọng hiện nay là cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều phải thực thi nghiêm túc thoả thuận vừa đạt được. Điều này sẽ mang lại lợi ích chung cho cả hai bên.”, ông John Kirby nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban ki-moon đánh giá cao thoả thuận giữa Seoul và Bình Nhưỡng, cho rằng 6 điểm mà hai bên nhất trí sẽ là động lực để giải quyết những vấn đề tồn động lâu chia cắt hai miền liên Triều.

“Tôi nhiệt liệt hoan nghênh thoả thuận này. Đây là một thành tựu đáng giá, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang hiện nay. Với tư cách là Tổng thư ký Liên Hợp quốc, tôi luôn sẵn sàng ủng hộ sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.”, ông Ban Ki-moon khẳng định.

Ngay sau khi hai bên đạt được thoả thuận, Triều Tiên đã lập tức rút 50 tàu ngầm mà nước này triển khai tại khu vực biên giới với Hàn Quốc cách đây vài ngày. Động thái trên được cho là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai bên.

Nhật Minh