Du lịch toàn cầu chao đảo vì "bão" dịch corona
(Dân trí) - "Bão" dịch viêm phổi do virus corona đang gây ra cú sốc đối với nền kinh tế của nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Italy, vốn phụ thuộc nặng nề vào ngành du lịch.
Cú sốc lớn
Vào các buổi tối tháng 2 hàng năm, rất khó để len qua những đám đông để tới cửa hàng lưu niệm của ông Yanakawee Srialam ở chợ đêm Ratchada Train tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Giờ là mùa du lịch cao điểm và tất cả các ngõ ngách của khu chợ trước đây thường đông kín người đến mua sắm.
Nhưng các du khách Trung Quốc, chiếm phần lớn trong số các khách hàng thường lệ của ông Srialam, giờ đây đều vắng bóng. Các mặt hàng bán chạy nhất lúc này của ông có khẩu trang, giờ còn được mua nhiều hơn các mặt hàng lưu niệm phổ thông như miếng dán tủ lạnh.
Trung Quốc đã ngừng tất cả các tour du lịch quốc tế trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona và khuyên công dân cân nhắc kế hoạch ra nước ngoài. Các hãng hàng không quốc tế đã ngừng hàng chục nghìn chuyến bay đi và đến Trung Quốc. Với các quốc gia như Thái Lan, nơi ngành du lịch phụ thuộc nặng nề vào các du khách Trung Quốc, đây là một cú sốc lớn.
Số lượng du khách sụt giảm mạnh, các đơn đặt phòng và các tour bị hủy. Trên đảo nghỉ dưỡng Phuket, hiệp hội hướng dẫn viên chuyên nghiệp hồi tuần trước cảnh báo rằng 3.000 hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Hoa hiện đang thất nghiệp và cần hỗ trợ tài chính.
Hồi năm ngoái, 11 triệu du khách Trung Quốc đã đến Thái Lan và giới chức dự báo con số này sẽ giảm khoảng 2 triệu trong năm nay.
Tại chợ đêm Ratchada Train, những người bán hàng đang hi vọng trong lo âu rằng việc làm ăn của họ sẽ sớm phục hồi. “Ngành du lịch của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào các du khách Trung Quốc”, ông Srialam, vốn bị giảm 70% doanh thu, cho biết.
Tại khu vực bán đồ ăn của chợ, Kittisuk Wongtaraloesakul cho hay ông đã buộc phải cắt giảm giờ làm của một số nhân viên, và 2 trong số họ đã tự xin nghỉ.
“Các khách hàng của tôi đã giảm 10 lần. Tôi chỉ có thể cầm cự với lượng khách như thế này trong khoảng 1 tháng. Tôi chỉ muốn duy trì cửa hàng”, ông nói.
Cửa hàng của ông Kittisuk thường phục vụ các món rán và món “canh sườn núi lửa” nổi tiếng của quán vốn rất được các du khách Trung Quốc yêu thích nhưng giờ đây một số đêm gần đây không có khách nào yêu cầu.
Dịch corona đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành du lịch toàn cầu, vốn ngày càng phụ thuộc vào các du khách Trung Quốc. Số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài đã tăng mạnh trong năm 2018 lên 150 triệu người, và các hãng điều hành du lịch đã thích ứng bằng cách thiết kế các gói du lịch dành riêng cho họ.
Hiệp hội khách sạn quốc gia Italy, Federalberghi, cho hay Italy - điểm đến yêu thích nhất của du khách Trung Quốc tới châu Âu với 3,5 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2019 - có thể thiệt hại hàng tỷ euro khi các khách du lịch Trung Quốc hủy đặt phòng khách sạn do bị cấm bay. Chủ tịch ngân hàng Italy Ignazio Visco cũng cảnh báo rằng dịch corona cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế vốn đang èo uột của nước này.
Số lượng đặt tour tới Venice, vốn đã giảm kể từ khi thành phố này hứng chịu trận lụt khủng khiếp vào tháng 11 năm ngoái, hiện giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái trước lễ hội carival thường niên bắt đầu từ cuối tuần qua.
“Một lệnh cấm đến tạm thời thì có thể kiểm soát được. Nhưng nếu virus corona cũng khiến người Mỹ không đi du lịch thì đây sẽ là vấn đề lớn đối với Italy. Thiệt hại của một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể lên tới 4,5 tỷ euro”, bà Bernabò Bocca, chủ tịch hiệp hội khách sạn Venice, cho biết.
Trong khi đó, hàng nghìn người trên một tàu du lịch hạng sang, Diamond Princess, đang bị mắc kẹt do bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản sau khi 136 người trên tàu cho tới nay đã nhiễm virus corona.
“Hãy sớm trở lại, chúng tôi đang đợi”
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về ảnh hưởng của dịch corona đối với ngành du lịch toàn cầu, nhưng dự kiến Thái Lan, Nhật Bản và các điểm đến lân cận nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giới chức cũng cảnh báo khả năng bùng phát dịch tại một trong những điểm du lịch của Thái Lan.
Tại Bangkok, dung dịch sát khuẩn được khuyến khích sử dụng tại các cửa hiệu, trong khi một trong những khu mua sắm sang trọng đã bắt đầu đo thân nhiệt của các khách hàng. Khẩu trang được sử dụng ngày càng phổ biến, dù trước đây nhiều người đã dùng do tình trạng ô nhiễm nặng. Bộ trưởng Y tế Thái Lam thậm chí còn từng cảnh báo trục xuất các khách du lịch nếu họ không đeo khẩu trang.
Tại chợ Ratchada, hai du khách Radek Slepowronski và Margaret Ciszkowska từu Phần Lan cho biết họ đang thận trọng nhưng không quá lo lắng. “Tại các du vực đông người, trên máy bay hay xe buýt, chúng tôi đeo khẩu trang, rửa tay và sát khuẩn. Nhưng chúng tôi không sợ nó”, Ciszkowska nói.
Với những người khác tới từ Nhật Bản, Hong Kong hay bất cứ ai không thể trở về nhà tại Trung Quốc đại lục, Thái Lan dường như là một nơi an toàn. Anthony James, người đến từ Anh nhưng sống tại Vũ Hán trong 9 năm qua, đã rời thành phố này để đi du lịch ngay trước khi thành phố bị phong tỏa.
“Tôi cảm thấy an toàn ở đây hơn là ở Vũ Hán. Số ca nhiễm virus tại Thái Lan rất nhỏ so với tại Vũ Hán”, anh nói.
Các du khách phương Tây với số lượng nhỏ tới chợ đêm Ratchada Train là niềm an ủi nhỏ đối với những người bán hàng. “Vẫn có một số khách phương Tây đến, nhưng họ không phải là những người tiêu nhiều tiền”, ông Srialam nói. “Rất khó bán cho họ vì họ mặc cả rất nhiều”. Ông nói, các du khách Trung Quốc rất quan trọng với việc kinh doanh của họ.
Tại cửa hàng bán đồ ăn của ông Kittisuk, một tấm biển được treo lên với dòng chữ: “Vũ Hán cố lên, Trung Quốc cố lên”. Thông điệp của ông gửi tới Trung Quốc là hãy nhanh hồi phục. “Hãy sớm trở lại, chúng tôi đang đợi”.
An Bình
Theo Guardian