1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Du khách đến Mỹ bóp chi tiêu vì USD tăng giá

Minh Phương

(Dân trí) - Đồng USD tăng giá đang làm tăng gánh nặng cho du khách nước ngoài tới Mỹ, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu ở các nước khác.

Du khách đến Mỹ bóp chi tiêu vì USD tăng giá - 1

USD đang tăng giá so với hầu hết tiền tệ trên thế giới (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, vài tuần trước khi đến Mỹ du lịch, Jeff Skipper và vợ là bà Valerie, hai công dân Anh, liên tục theo dõi tỷ giá trong vô vọng khi đồng USD tiếp tục đà tăng so với bảng Anh. Việc bảng Anh mất giá mạnh so với USD khiến vợ chồng họ phải tính toán chi li cho chuyến du lịch.

"Tỷ giá là chủ đề được bàn luận nhiều nhất kể từ khi chúng tôi đến đây", ông Jeff, một thợ điện 50 tuổi, chia sẻ. Bà Valerie cho biết: "Mọi thứ với chúng tôi đều rất đắt đỏ. Chúng tôi mua đồ ăn trong cửa hàng tiện lợi thay vì ăn nhà hàng bởi vì khi đổi bảng sang USD, đó là cả một khoản chi lớn".

Vợ chồng ông Jeff chỉ là hai trong số rất nhiều du khách đến Mỹ cảm nhận được tác động của đồng USD tăng giá. Trong tháng này, USD đã lên cao nhất 20 năm, chủ yếu do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Với người Anh, tác động còn lớn hơn khi đồng bảng mất giá và gần như "rơi tự do" sau khi chính phủ Anh công bố gói cắt giảm thuế và cắt giảm chi tiêu. Hôm 26/9, bảng Anh xuống thấp kỷ lục 1 bảng đổi 1,0327 USD. Kể từ đầu năm, giá trị đồng bảng giảm 20% so với USD.

"Đồng USD quá cao, do vậy chúng tôi phải chi tiêu theo cách mà chúng tôi không hề muốn. Chúng tôi đến những nhà hàng bình dân hơn. Vào cửa hàng Disney, không dám chọn, chỉ xem rồi đi", Jose Alvado, một kế toán 48 tuổi người Argentina đang du lịch Mỹ cùng với gia đình, cho biết.

Động thái tăng lãi suất của FED nhằm đối phó lạm phát đã đẩy giá trị USD tăng. Trong khi du khách nước ngoài phải cắt giảm chi tiêu khi đến Mỹ, ngược lại, người Mỹ du lịch nước ngoài đang có lợi hơn nhờ đồng bạc xanh mạnh. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà tư vấn lữ hành Mỹ, kể từ đầu năm, chi tiêu của người Mỹ dành cho du lịch nội địa và nước ngoài tăng 11% so với năm 2019.

Tuy nhiên, động thái của FED đang ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia khác, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, làm tăng các quy mô thanh toán nợ.

Ở các quốc gia đang phát triển như Nigeria, Somalia, USD mạnh lên khiến giá thực phẩm, nhiên liệu, thuốc men nhập khẩu tăng cao. USD tăng giá cũng khiến Argentina, Ai Cập và Kenya đứng trước nguy cơ vỡ nợ, khiến đầu tư vào các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Ấn Độ chững lại.

Tại Indonesia, trong tháng này, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình do giá nhiên liệu tăng mạnh. Ở Tunisia, tình trạng thiếu các mặt hàng thực phẩm được trợ cấp như đường, cà phê, bột mì và trứng khiến các kệ hàng trong siêu thị trống rỗng, nhiều quán cà phê phải đóng cửa.

"Đối với phần còn lại của thế giới, đây là một tình huống không ai có lợi", Eswar Prasad, giáo sư kinh tế, tác giả một cuốn sách về tiền tệ, bình luận.

Theo Reuters, NYTimes