1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc sau gần 2 năm bùng phát

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đưa ra dự đoán về thời điểm kết thúc đại dịch Covid-19, khi chương trình tiêm chủng vắc xin toàn cầu vẫn đang được triển khai tích cực.

Dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc sau gần 2 năm bùng phát - 1

Nhiều người không còn đeo khẩu trang khi dự sự kiện âm nhạc đánh dấu sự kết thúc của các biện pháp hạn chế vì Covid-19 tại Đan Mạch (Ảnh: Getty).

Tại New Zealand, phần lớn thành phố Auckland bị phong tỏa, trong khi phần còn lại của đất nước vẫn đang bị áp các lệnh hạn chế cấp độ 2. Tại Australia, bang Queensland và Tây Australia bị phong tỏa một phần, trong khi thành phố Sydney cũng bị phong tỏa từ cuối tháng 6. Thành phố Melbourne ở Australia đã lập kỷ lục thế giới khi người dân ở đây phải sống trong tình trạng bị phong tỏa lâu nhất.

Trong khi đó, ở Na Uy, các cuộc ăn mừng nhộn nhịp đã nổ ra trên khắp đất nước để đánh dấu sự chấm dứt của các biện pháp hạn chế khắc nghiệt sau hơn một năm. Quyết định này đồng nghĩa với việc cuộc sống ở quốc gia hơn 5 triệu dân này gần như trở lại bình thường.

"Đã 561 ngày kể từ khi chúng ta áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất ở Na Uy trong thời bình. Giờ là lúc để chúng ta quay trở lại cuộc sống bình thường", Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tuyên bố ngày 24/9.

Trước đó, chính phủ Đan Mạch ngày 13/8 thông báo dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, một trong những biện pháp phòng dịch cuối cùng ở nước này, đưa cuộc sống trở lại gần như bình thường.

"Phần lớn dân số của chúng ta đã được tiêm chủng, chúng ta đang dần trở lại cuộc sống bình thường hàng ngày. Chúng ta có thể tạm biệt khẩu trang trên xe buýt, tàu hỏa hay tàu điện từ ngày 14/8", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đan Mạch Benny Engelbrecht cho biết.

Anh cũng tận hưởng cuộc sống tự do quay trở lại, khi các trường học và nơi làm việc tái mở cửa, các khách sạn hoạt động nhộn nhịp và khách du lịch lại đổ xô đến London.

Các quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao đang cân nhắc mở cửa trở lại hoàn toàn, với hy vọng quay lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Theo NZ Herald, viễn cảnh đó sớm hay muộn cũng sẽ thành hiện thực.

Đại dịch sẽ kết thúc sau một năm?

Dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc sau gần 2 năm bùng phát - 2

Nhiều người quay trở lại làm việc tại London sau khi lệnh phong tỏa kết thúc (Ảnh: Getty).

Trả lời phỏng vấn ABC News ngày 26/9, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng dược Pfizer, Albert Bourla, dự đoán cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong vòng một năm tới, dù các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện.

Theo ông Bourla, việc cuộc sống quay trở lại bình thường không có nghĩa là biến chủng mới không xuất hiện, nhưng ông tin rằng mọi người sẽ cần phải tiêm vắc xin Covid-19 định kỳ hàng năm để chống lại các biến chủng.

Ông Bourla nhận định, việc tiếp tục triển khai nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng các loại vắc xin trên toàn cầu là chìa khóa để có thể sống chung với Covid-19, và điều quan trọng là các vắc xin cần có hiệu quả lâu hơn, đồng thời có khả năng tiêu diệt các chủng virus hiện tại và tương lai.

"Vì virus lây lan khắp thế giới, nên kịch bản dễ xảy ra nhất theo quan điểm của tôi là chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với các biến chủng, và chúng ta sẽ có các loại vắc xin có khả năng bảo vệ ít nhất một năm", ông Bourla cho biết thêm.

Dự đoán của ông Bourla tương đồng với nhận định của Stephane Bancel - giám đốc điều hành hãng dược Moderna. Ông Bancel dự đoán đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc "trong một năm tới" do năng lực sản xuất vắc xin của thế giới khi đó sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng toàn cầu.

"Nếu bạn nhìn vào sự mở rộng năng lực sản xuất trong 6 tháng qua, sẽ có đủ liều vắc xin Covid-19 tới giữa năm sau để mọi người trên trái đất này có thể tiêm chủng", ông Bancel nói với báo Thụy Sĩ Neue Zuercher Zeitung.

Theo ông Bancel, việc tiêm chủng cho trẻ em cũng góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Ông cảnh báo nếu mọi người tiêm chủng, họ có thể trải qua một mùa đông suôn sẻ, còn nếu từ chối vắc xin, họ có "nguy cơ nhiễm bệnh và nhập viện".

Vì sao cần mũi vắc xin tăng cường?

Dự đoán thời điểm đại dịch Covid-19 kết thúc sau gần 2 năm bùng phát - 3

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm mũi vắc xin tăng cường ngày 27/9 (Ảnh: Reuters).

Cả hai nhà lãnh đạo của Pfizer và Moderna đều cho rằng, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là mọi người tiêm vắc xin Covid-19 hàng năm, gần giống loại vắc xin cúm mùa được tiêm định kỳ.

Các nhà chức trách ở Mỹ gần đây đã chấp thuận tiêm mũi vắc xin Pfizer tăng cường, sau 2 mũi tiêm đầu, cho người cao tuổi và các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này cũng tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường tại Nhà Trắng, sau hai mũi tiêm từ trước khi nhậm chức hồi tháng 1.

Tính đến nay, 44,4% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19, nâng tổng số mũi tiêm lên 6,1 tỷ mũi. Tuy nhiên, khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng tại các nước giàu và nước nghèo vẫn rất lớn.

Ở các quốc gia có thu nhập cao và trên trung bình, khoảng 60% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong khi con số này ở các quốc gia có thu nhập dưới trung bình là 30% và chỉ khoảng 2% đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới vẫn ở mức thấp đáng báo động. Ở Congo và Haiti, chưa đầy 1% dân số được tiêm chủng.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết cứ 20 người ở châu Phi thì có khoảng một người được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó ở châu Âu, con số này nhiều hơn đáng kể, trung bình cứ 2 người sẽ có một người được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Tại hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 do Nhà Trắng tổ chức vào tuần trước, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã đưa ra cam kết, hướng tới mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước tháng 9.

"Nhiều quốc gia và các bên liên quan đã công bố ý định tài trợ vắc xin và hỗ trợ tài chính cho các chương trình vắc xin để đảm bảo tiêm chủng trên toàn thế giới", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Mỹ cam kết mua thêm 500 triệu liều vắc xin để tặng cho các quốc gia cần vắc xin, nâng tổng số vắc xin viện trợ của nước này lên 1,1 tỷ liều.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, 230 triệu người đã bị mắc Covid-19 và hơn 4,7 triệu người tử vong trên toàn cầu.