1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Động thái tăng cường cảnh giác của Mỹ trước kịch bản xung đột hạt nhân

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn biến hết sức căng thẳng, Mỹ đã có những động thái đề cao cảnh giác trước kịch bản vũ khí hạt nhân có thể được đưa vào cuộc.

Động thái tăng cường cảnh giác của Mỹ trước kịch bản xung đột hạt nhân - 1
Máy bay cảnh báo sớm RC-135 của Mỹ hoạt động tại khu vực Biển Đen (Ảnh: Tass).

Theo nguồn tin gần gũi với giới chức quốc phòng Mỹ, quân đội nước này cùng các đồng minh đang tăng cường tiến hành những hoạt động thu thập thông tin tình báo tại khu vực châu Âu do lo ngại về viễn cảnh vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng tại châu Âu.

Theo đó, các phương tiện tình báo của Mỹ, bao gồm máy bay theo dõi, vệ tinh quân sự và cả các thiết bị tác chiến không gian mạng, đã được liên tục huy động để theo dõi các hoạt động của quân đội Nga.

Hình ảnh vệ tinh từ các nhà cung cấp tư nhân cũng được tích cực sử dụng cho mục đích trên. Các quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định những bước đi này sẽ giúp quân đội Mỹ không gặp bất ngờ trong trường hợp xấu nhất.

Tuy nhiên, các nguồn tin của Mỹ hiện đều chia sẻ quan điểm rằng Nga sẽ "không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược" tại Ukraine vì lo ngại kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện với NATO.

Trước đó, trong bài phát biểu hôm 21/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra ngụ ý về việc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga, đồng thời cảnh báo Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây.

Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Putin "có lẽ không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật".

Về phía Mỹ, Washington D.C và Moscow vẫn duy trì những liên lạc về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân trong nhiều tháng gần đây, bất chấp việc quan hệ song phương ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Động thái tăng cường cảnh giác của Mỹ trước kịch bản xung đột hạt nhân - 2
Tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân Yars của Nga (Ảnh: Reuters).

Trong các liên lạc này, Mỹ được cho là đã âm thầm cảnh báo Nga về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Cảnh báo không được đưa ra một cách trực tiếp mà thay vào đó là dưới dạng những thông tin "mơ hồ mang tính chiến lược", qua đó khiến Điện Kremlin phải xem xét kỹ về những phản ứng của Nhà Trắng một khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân.

Theo học thuyết hạt nhân mới nhất của Nga, có 4 trường hợp cho phép Moscow được quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trường hợp đầu tiên là tình huống Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga.

Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine