1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động thái mới Trung Quốc gây căng thẳng tình hình Biển Đông

Tập trận, bắn đạn thật trên Biển Đông, bố trí thêm tàu khu trục hiện đại..., Trung Quốc đang tiếp tục đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang.

Ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng hải quân nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông.

“Hải quân Trung Quốc trong mấy ngày nay đã đưa 1 hạm đội ra những vùng biển ở Biển Đông để tập trận”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết trong một thông cáo ngắn.

Thông báo của Bộ quốc phòng Trung Quốc nói đây là hoạt động nằm trong kế hoạch huấn luyện hải quân năm nay của họ và không nói thêm chi tiết.

Động thái mới Trung Quốc gây căng thẳng tình hình Biển Đông - 1

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.

Những bức ảnh công bố trên các tài khoản mạng xã hội của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy trong những ngày qua, các tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã tham gia các đợt tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, tuy nhiên không nói rõ địa điểm tập trận.

Trung Quốc vẫn thường đưa ra những tuyên bố về các cuộc tập trận trên Biển Đông theo cách này trong động thái cố tỏ ra minh bạch trong các đợt điều động quân sự của họ.

Cách đây 1 ngày (12/12), Trung Quốc cũng đã tổ chức lễ biên chế, đặt tên và trao cờ cho tàu khu trục tên lửa mới Hợp Phì do nước này tự chế tạo ở một quân cảng ở Tam Á, tỉnh hải Nam, đánh dấu chiếc tàu chiến này chính thức gia nhập đội hình chiến đấu của Hải quân Trung Quốc.

Tại buổi lễ, Vương Đăng Bình, Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc, cho hay tàu khu trục Hợp Phì do Trung Quốc tự thiết kế, là tàu khu trục tên lửa tiên tiến nhất hiện có của nước này. Ông này cũng nhắc lại tư tưởng từ Đại hội 18 củaĐđảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển. Vương Đăng Bình yêu cầu thuộc cấp phải luôn nhớ chỉ thị: "Cắm rễ vào Biển Đông, bảo vệ Biển Đông, lập công ở Biển Đông” mà ông Tập Cận Bình đưa ra khi thị sát Hạm đội Nam Hải trước đây.

Tàu khu trục Hợp Phì có số hiệu 174, là tàu khu trục tên lửa Type 052D thế hệ mới thứ ba của Trung Quốc. Chiếc thứ nhất và thứ hai lần lượt là tàu Côn Minh và tàu Trường Sa cũng đã biên chế cho Hạm đội Nam Hải.

Như vậy, Hạm đội Nam Hải đã sở hữu 3 tàu khu trục Type 052D, triển khai ở Biển Đông.

Trung Quốc thường ưu tiên triển khai trước những tàu chiến mới tiên tiến ở khu vực Biển Đông - nơi Trung Quốc tìm mọi cách áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý, bất hợp pháp, nơi Trung Quốc đang tập trung xây dựng các tiền đồn quân sự như ở đảo Hải Nam và ở quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cũng liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông,  ngày 11/12, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã ngang ngược ra thông báo một ngọn hải đăng và cầu cảng mới xây, cùng đường băng được mở rộng trái phép trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông sắp đi vào hoạt động.

Không những vậy, trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Đài Loan còn ngang nhiên thách thức cho biết Bộ trưởng bộ này, Trần Uy Nhân, và Cục trưởng Cục Bảo vệ bờ biển Đài Loan Vương Sùng Nghi sẽ tiến hành lễ khai trương tại đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba), đánh dấu việc đưa vào hoạt động những cơ sở trái phép trên.

Việc xây dựng ngọn hải đăng chạy năng lượng Mặt Trời trên hòn đảo rộng 489.600m2 này được phía chiếm đóng trài phép Đài Loan hoàn thành trong tháng 10 vừa qua.

Trong khi đó, cầu cảng mới xây sẽ có thể tiếp nhận tàu tuần duyên trọng tải 100 tấn và tàu khu trục 3.000 tấn.

Ngoài ra, Đài Loan cũng ngang ngược xây dựng trái phép và đã hoàn tất công trình xây đường băng dài 1.195m và một kho chứa được mở rộng có khả năng chứa 2 máy bay vận tải C-130.

Tất cả các hoạt động trên của phía Đài Loan là xâm phạm nghiêm trọng tới chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam.

Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Việc Đài Loan bất chấp quan ngại của Việt Nam, của các nước cũng như cộng đồng quốc tế, cử quan chức đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiếp tục tuyên bố đưa vào hoạt động một số công trình trên đảo là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ bác bỏ hành động này.

Việt Nam yêu cầu Đài Loan chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự”.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt