Đông Nam Á quay cuồng trong "bão" Covid-19, khi nào có miễn dịch cộng đồng?
(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 mới đang gây sức ép chưa từng có lên hệ thống y tế và đe dọa đà phục hồi kinh tế của các nước Đông Nam Á.
Đông Nam Á quay cuồng trong bão Covid-19
Tại Thái Lan, các bệnh viện đều nhanh chóng hết giường bệnh khi số ca Covid-19 tăng nhanh bắt đầu từ ổ dịch trong một số tụ điểm giải trí ở thủ đô Bangkok. Đầu tháng 4, số ca nhiễm hàng ngày ở Thái Lan tăng lên mức cao chưa từng có, con số này tiếp tục tăng sau lễ hội té nước Songkran.
Hồi đầu tháng 1, Thái Lan mới chỉ có tổng cộng hơn 7.000 ca sau các làn sóng Covid-19, nhưng hiện giờ, con số này đã khoảng 135.000 ca. Giới chức Thái Lan đang vật lộn để dập ổ dịch trong các nhà tù đông đúc và các lán trại của công nhân xây dựng. Mặc dù chính phủ cam kết đủ giường bệnh điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhưng hơn một nửa giường trong số đó là giường bệnh tại các bệnh viện dã chiến.
Tại Malaysia, khoảng một tuần trở lại đây, mỗi ngày nước này đều ghi nhận hơn 6.000 ca mắc mới. Hôm 25/5, Malaysia có thêm gần 7.300 ca sau khi ghi nhận kỷ lục 61 ca tử vong trong ngày. Tổng số 525.000 ca mắc ở Malaysia tuy rất nhỏ so với hơn 26 triệu ca ở Ấn Độ, nhưng nếu xét tỷ lệ ca mắc mới trên đầu người thì ở Malaysia cứ 1 triệu người thì có 194 người mắc mỗi ngày, cao hơn so với con số 178 người ở Ấn Độ.
Bộ Y tế Malaysia cho biết thêm, hơn 1/3 số ca bệnh mới trong tháng tư đều cần hỗ trợ ôxy. Điều này cho thấy, chủng mới của SARS-CoV-2 đang lây lan ở Malaysia có thể có độc lực cao hơn so với các chủng trước.
Tại Philippines, đợt bùng dịch từ cuối năm ngoái do sự xuất hiện của các biến chủng mới đã nhanh chóng khiến hệ thống bệnh viện ở đây quá tải. Số ca nhiễm hàng ngày tăng vọt lên hơn 15.000 ca, gấp 3 lần so với con số ở đỉnh dịch năm ngoái. Bệnh viện quá tải dẫn đến thảm kịch nhiều bệnh nhân chết ở nhà khi chưa được xét nghiệm hay điều trị. Tình hình nguy cấp buộc chính phủ Philippines phải một lần nữa ban bố lệnh phong tỏa. Lệnh phong tỏa giúp số ca nhiễm tại Manila và 4 tỉnh lân cận giảm một nửa, song giới chuyên gia lo ngại một đợt bùng dịch nữa sắp xảy ra. Ở một khu vực phía nam đại đô thị Mania với khoảng 3 triệu dân, 55% xét nghiệm cho kết quả dương tính.
"Các biến chủng đáng lo ngại với khả năng lây lan cao gấp hai lần chủng ban đầu đang lây lan ở khu vực này. Độc lực của nó cũng cao hơn so với chủng trước. Tại Philippines, số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm nhưng chưa thể lơ là bởi tất cả 4 chủng đáng lo ngại vẫn đang lây lan ở đây", Tiến sĩ Abhishek Rimal, Điều phối viên Y tế khẩn cấp phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Hội chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC), bình luận. Bốn biến chủng này gồm chủng từ Anh, chủng từ Ấn Độ, chủng từ Brazil và chủng từ Nam Phi.
Hồi đầu năm nay, Campuchia và Lào cũng đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Giới chức Campuchia cho rằng, đợt bùng dịch này chủ yếu do sự xuất hiện của biến chủng B.1.1.7 phát hiện lần đầu ở Anh. Tính đến ngày 1/2, Campuchia mới chỉ có 466 ca nhiễm, nhưng đến ngày 23/5, con số này đã lên hơn 25.000 ca. Trước tình hình quá tải của các bệnh viện, Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 7/4 thậm chí cảnh báo nước này đang trên "bờ vực sinh tử".
Số ca nhiễm mới ở Lào và Campuchia đã tăng chậm lại một phần do các biện pháp kiểm soát dịch nhanh chóng, nhưng giới chuyên gia vẫn lo ngại về quy mô dịch thực tế ở các nước này do những hạn chế về năng lực xét nghiệm.
Những cái chết ngoài sổ sách
Đại dịch Covid-1 đã khiến khoảng 78.000 người ở Đông Nam Á thiệt mạng. Đây là một con số không hề nhỏ, nhưng các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể cao hơn nữa.
Các nghiên cứu chỉ ra, khoảng hơn 70% số ca bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á không có triệu chứng, điều này đồng nghĩa, nhiều người tử vong mà không biết hay không bị liệt kê vào nhóm tử vong do Covid-19. Ví dụ, trong đợt bùng dịch trước ở Philippines, hầu hết những người chết tại nhà hoặc trong lúc chờ giường bệnh đều không được tính vào những người tử vong do Covid-19 vì chưa từng xét nghiệm hoặc chỉ có kết nghiệm sau khi họ đã được chôn cất. Tiến sĩ Abhisek cho biết thêm, nhiều người giấu bệnh, không tới bệnh viện dù mắc Covid-19 vì sợ bị kỳ thị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/5 nhận định, số người chết vì Covid-19 của thế giới thực tế có thể cao gấp 3 lần so với thống kê. Trong khi đó, The Economist ước tính con số thực tế có thể gấp tới 4 lần thống kê, vào khoảng 7-13 triệu người.
Thiệt hại về kinh tế
Ngoài thiệt hại về con người, Covid-19 đã và đang gây ra thiệt hại kinh tế không nhỏ cho Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Tại Philippines, mỗi xét nghiệm PCR có giá hơn 4.000 peso (hơn 83 USD), hay gấp 8 lần lương ngày tối thiểu ở quốc gia này. Nhiều người không muốn xét nghiệm. Một người nếu có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ phải cách ly 2 tuần và do vậy ảnh hưởng đến thu nhập.
Những thách thức này gây ra trở ngại cho các chính phủ khu vực trong cuộc chiến đối phó COvid-19. Ở những nước như Philippines và Malaysia, chính phủ đều tránh phong tỏa toàn quốc để tránh nguy cơ nền kinh tế rơi tự do. "Chính phủ luôn phải nuốt đắng khi đưa ra lựa chọn giữa phong tỏa toàn quốc và phong tỏa cục bộ bởi họ muốn đảm bảo rằng người dân không rơi vào nghèo đói", Tiến sĩ Abhishek nói.
Trong số các nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á, chỉ có Singapore và Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chạy đua để đạt miễn dịch cộng đồng
Nhiều chuyên gia cho rằng, cách duy nhất để chặt đứt chuỗi lây lan Covid-19 là thông qua miễn dịch cộng đồng. Do vậy, chính phủ các nước đang ra sức đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, đặc biệt sau làn sóng Covid-19 nghiêm trọng do các biến chủng nguy hiểm gây ra.
Chính phủ Thái Lan hứng chỉ trích vì chậm trễ trong chiến lược tiêm chủng ban đầu và chủ yếu dựa vào vắc xin AstraZeneca với nguồn cung hạn chế. Hiện tại, Thái Lan đã sử dụng thêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc, và mới đây cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của Moderna. Cũng nhằm thúc đẩy tiêm chủng, Thái Lan đã mở đường cho phép các bệnh viện tư tiêm chủng vắc xin Covid-19, kéo dài khoảng cách giữa hai liều vắc xin để thêm nhiều người được tiêm chủng mũi đầu. Đến nay, Thái Lan đã tiêm chủng cho khoảng 3 triệu dân, tương đương hơn 4% dân số.
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin hôm 23/5 tuyên bố, 80% người dân nước này sẽ được tiêm chủng trước cuối năm nay. Indonesia và Philippines, hai nước chiếm hơn một nửa dân số Đông Nam Á, đã tiêm chủng cho lần lượt 5% và 2% dân số của họ.
Một kịch bản tốt nhất để giúp các nước nghèo và đang phát triển có thêm nguồn cung vắc xin đối phó Covid-19 là những nước giàu tạm hoãn tiêm chủng cho một bộ phận dân số nhỏ tuổi và khỏe mạnh để hỗ trợ cho nước khác.
Liên minh châu Âu đã cam kết viện trợ 100 triệu liều theo cơ chế song phương hoặc thông qua chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tặng 20 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson cho nước ngoài.
Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Đông Nam Á cần một thời gian nữa. Trong báo cáo hồi tháng 4, Economist Intelligence Unit (EIU), bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của tạp chí The Times, dự đoán Đông Nam Á sẽ chưa thể có miễn dịch cộng đồng ít nhất đến cuối năm 2022.