1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Càn quét Ấn Độ, làn sóng Covid-19 còn "nhấn chìm" nhiều nước châu Á

Thành Đạt

(Dân trí) - Làn sóng Covid-19 mới đang càn quét các quốc gia châu Á, trong khi Ấn Độ vẫn là tâm chấn của đại dịch toàn cầu với số ca nhiễm mới liên tục lập kỷ lục.

Càn quét Ấn Độ, làn sóng Covid-19 còn nhấn chìm nhiều nước châu Á - 1

Người đàn ông Ấn Độ đau buồn khi chứng kiến cảnh chôn cất người cha qua đời vì Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Không chỉ ở Ấn Độ, làn sóng Covid-19 khốc liệt mới cũng bao trùm các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới, gây sức ép nghiêm trọng lên hệ thống y tế và buộc các quốc gia này phải kêu gọi trợ giúp khẩn cấp.

Các quốc gia từ Lào đến Thái Lan ở Đông Nam Á hay những quốc gia giáp biên giới với Ấn Độ như Bhutan và Nepal đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19 trong vài tuần qua. Sự gia tăng này chủ yếu là do có nhiều biến thể virus dễ lây lan hơn, nhưng cũng phải kể đến việc các quốc gia đã chủ quan trong việc chống dịch và thiếu nguồn lực để kiểm soát sự lây lan của virus.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Lào đã kêu gọi hỗ trợ thiết bị và vật tư y tế, khi số ca mắc Covid-19 tại nước này tăng hơn 200 lần trong một tháng.

Nepal cũng đang chứng kiến các bệnh viện hết giường bệnh nhanh chóng và cạn kiệt nguồn cung ôxy.

Các cơ sở y tế đang "gồng mình" ở Thái Lan, nơi 98% ca nhiễm mới xuất phát từ một chủng virus dễ lây nhiễm hơn, trong khi một số quốc đảo ở Thái Bình Dương đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 đầu tiên.

Mặc dù không quốc gia nào có dân số hoặc phạm vi bùng phát dịch lớn như Ấn Độ, nhưng sự gia tăng đột biến số ca nhiễm tại những nước này còn đáng lo ngại hơn nhiều, báo hiệu những nguy cơ tiềm ẩn của sự lây lan không thể kiểm soát.

Sự bùng phát trở lại - và lần đầu bùng phát ở một số nơi mà phần lớn đã tránh được đại dịch vào năm ngoái - càng làm tăng tính cấp thiết của việc cung cấp vắc xin cho các nước nghèo hơn và ngăn chặn đại dịch kéo dài.

"Điều rất quan trọng là phải nhận ra rằng tình hình ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đây vẫn là một thách thức rất lớn", Hans Kluge, giám đốc khu vực phụ trách châu Âu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết.

Báo động các vùng dịch ở châu Á

Càn quét Ấn Độ, làn sóng Covid-19 còn nhấn chìm nhiều nước châu Á - 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Reuters).

Xếp hạng theo sự thay đổi về số ca nhiễm mới được ghi nhận trong một tháng qua so với tháng trước đó, Lào là nước đứng đầu với mức tăng 22.000%, tiếp theo là Nepal và Thái Lan, cả hai đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt hơn 1.000%.

Các nước khác đứng đầu trong danh sách như Bhutan, Campuchia cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng bất thường lên 3 con số.

Ngày 1/5, Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục 401.993 ca mắc mới trong 24 giờ, trong khi số ca tử vong chạm mức kỷ lục mới là 3.689 người vào ngày hôm sau. Các bệnh viện và lò hỏa táng của Ấn Độ hoạt động suốt ngày đêm để xử lý số bệnh nhân và người chết tăng vọt.

Các cơ sở y tế tại Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng thiếu ôxy y tế, không đủ sức điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương phổi do nhiễm virus, thậm chí nhiều nơi phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.

Sự bùng phát đột ngột ở Lào - nơi chỉ ghi nhận 60 ca nhiễm kể từ khi bắt đầu đại dịch đến ngày 20/4 và không có trường hợp tử vong nào cho đến nay - cho thấy những thách thức mà một số quốc gia không giáp biển phải đối mặt.

Các đường biên giới lỏng lẻo khiến việc ngăn chặn các vụ vượt biên bất hợp pháp trở nên khó khăn hơn mặc dù về mặt kỹ thuật, việc nhập cảnh bị cấm.

Lào đã phong tỏa thủ đô Viêng Chăn và cấm hoạt động đi lại giữa thủ đô và các tỉnh. Bộ trưởng Y tế Lào đã liên hệ với các nước láng giềng để được hỗ trợ về các nguồn lực y tế.

Nepal và Bhutan đã ghi nhận các ổ dịch bùng phát, một phần do các công dân từ nước ngoài trở về. Nepal, quốc gia đã xác định được các trường hợp nhiễm biến thể virus mới tại Ấn Độ, cũng có nguồn lực hạn chế để chống dịch.

Thái Lan, quốc gia đang tìm cách vực dậy ngành du lịch vốn bị "kiệt quệ" do đại dịch, vừa đưa ra quy định cách ly bắt buộc trong hai tuần đối với tất cả du khách. Với hệ thống y tế công cộng đang chịu nhiều áp lực, các nhà chức trách Thái Lan đang cố gắng thành lập các bệnh viện dã chiến để có thể đáp ứng số lượng bệnh nhân đông đúc.

Thái Lan ngày 3/5 ghi nhận hơn 30 trường hợp tử vong vì Covid-19. Đây là ngày Thái Lan có số người tử vong nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Theo Yong Poovorawan, Giám đốc Trung tâm Virus Lâm sàng tại Đại học Chulalongkorn, khoảng 98% ca nhiễm ở Thái Lan là biến thể được xác định lần đầu tiên ở Anh, dựa trên mẫu xét nghiệm của 500 người.

Tại Campuchia, kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, hơn 10.000 ca nhiễm đã được phát hiện tại hơn 20 tỉnh. Campuchia ngày 3/5 có thêm hơn 800 trường hợp mắc Covid-19, đánh dấu ngày có thêm nhiều ca mắc mới nhất kể từ khi dịch bùng phát. 

Thủ đô Phnom Penh của Campuchia hiện là "vùng đỏ", hay còn gọi là khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Tại "vùng đỏ", người dân bị cấm ra khỏi nhà trừ lý do y tế khẩn cấp và mua sắm nhu yếu phẩm.

Tại Sri Lanka, quốc đảo ở cực nam của Ấn Độ, các nhà chức trách đã lập các khu vực cách ly, cấm đám cưới và hội họp, đồng thời đóng cửa các rạp chiếu phim và quán rượu để chấm dứt chuỗi lây nhiễm kỷ lục sau các lễ hội đón năm mới hồi tháng trước. Chính phủ Sri Lanka nói rằng tình hình đang được kiểm soát.

Theo Ali Mokdad, Giám đốc Chiến lược về Y tế tại Đại học Washington, tình hình hiện nay "rất nghiêm trọng".

"Các biến thể mới sẽ đòi hỏi một loại vắc xin mới và thuốc tăng cường cho những người đã được tiêm chủng. Điều này sẽ trì hoãn việc kiểm soát đại dịch", chuyên gia Ali nhận định.

Theo Jonathan Pryke, chuyên gia về khu vực Thái Bình Dương tại Viện Lowy - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Sydney (Australia), "Ấn Độ là một cảnh báo gây sốc cho thế giới về việc đại dịch này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát nhanh chóng như thế nào".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm