1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đồng minh Pháp, Đức “qua mặt” Mỹ ở Syria

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo cấp cao từ Pháp, Đức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp thượng đỉnh 4 bên trong tháng này bàn về vấn đề Syria, động thái cho thấy dường như Paris và Berlin đã “qua mặt” đồng minh Mỹ nhằm tìm phương hướng ngừng cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông.


Các nhà lãnh đạo Nga và châu Âu sẽ nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về tình hình Syria (Ảnh: Reuters)

Các nhà lãnh đạo Nga và châu Âu sẽ nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về tình hình Syria (Ảnh: Reuters)

RT đưa tin, Pháp, Đức sẽ gặp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 27/10 tại Istanbul, một động thái được đánh giá là cho thấy sự tham gia của các quốc gia EU chủ chốt trong nỗ lực kết thúc cuộc chiến, mang lại hòa bình tại Syria.

Khác với những vòng đàm phán trước đây diễn ra ở Astana (Kazakhstan) hay Geneva (Thụy Sĩ), cuộc gặp lần này sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ 4 quốc gia bao gồm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chương trình nghị sự sẽ tập trung vào các vấn đề “tình hình chiến sự tại Syria, thỏa thuận Idlib và tiến trình chính trị tại quốc gia Trung Đông”, theo ông Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan.

Trong khi đó, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng cuộc gặp sẽ tổng hòa các nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng cho cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Syria và Nga chào mừng sự tham gia của các quốc gia hùng mạnh ở Phương Tây. Tổng thống Putin là người có quan điểm chống lại tư tưởng cô lập và sẵn sàng đối thoại với mọi quốc gia và mọi nhà lãnh đạo.

Với sự tham gia của 2 lãnh đạo cấp cao nhất từ Đức và Pháp, cuộc gặp này được coi là dấu mốc đột phá trên hành trình tìm ra giải pháp cho Syria, các chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, giới quan sát cho rằng việc Đức và Pháp đồng thuận trao đổi với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Phương Tây đánh giá đúng vị trí và tầm ảnh hưởng của Nga với vấn đề Damascus. “Họ nhận ra rằng nếu không có Moscow và Ankara, sẽ không có thỏa thuận nào ở Syria được đưa ra. Tương tự, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thiếu sự đồng lòng của phương Tây để giải quyết vấn đề Damascus”, chuyên gia Marianna Belenkaya nhận định.

Châu Âu hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu tình hình Syria không được cải thiện. Ví dụ, tình hình giao tranh ở quốc gia Trung Đông có thể đẩy một làn sóng di cư tiến vào châu Âu và đây không phải là kết cục mà EU mong muốn.

Do từ trước tới nay Pháp và Đức là những bên ủng hộ và đóng góp tích cực cho chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Syria nên việc họ "qua mặt" Mỹ và tiến tới đàm phán với Nga có thể sẽ khiến Mỹ không vừa ý.

Chuyên gia Grigory Lukyanov đến từ Trường Kinh tế Moscow cho rằng động thái của Pháp và Đức cho thấy họ muốn gửi thông điệp với Mỹ rằng quan điểm của Washington tại Syria không còn quá quan trọng vào thời điểm này, rằng họ muốn tìm kiếm giải pháp độc lập đối phó với những cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng tới lợi ích của họ.

Nhà quan sát Nikolay Surkov cho rằng cách tiếp cận của Pháp và Đức khác với Mỹ tại Syria. Mục tiêu của Mỹ ở Syria là đẩy Iran ra khỏi Syria và phương án của Washington từ trước tới nay luôn bao gồm lựa chọn thay đổi chế độ và chính quyền. Trong khi đó, Paris và Berlin có cách tiếp cận linh hoạt hơn về vấn đề này.

Đức Hoàng

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm