Chiến lược mới của Mỹ có đem đến cái kết “có hậu” cho Syria?
Kết hợp giữa ngoại giao, tuyên truyền và tập trung vào tình hình quân sự, Mỹ đang có những thay đổi trong chiến lược của mình ở Syria.
Khi cuộc nội chiến Syria dần đi đến hồi kết, "cuộc chiến" giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ngày càng tăng lên. Dường như, chính quyền Tổng thống Trump nhận ra một điều rằng khả năng của Mỹ khi giải quyết vấn đề Syria sẽ quyết định đến vị thế của Washington tại khu vực này.
Chiến lược mới của Mỹ ở Syria
Chính quyền Tổng thống Trump đang có những điều chỉnh trong hướng tiếp cận với vấn đề Syria để đảm bảo Mỹ có thể đánh bại được IS, chấm dứt xung đột tại khu vực và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Để đạt được những mục tiêu này, Mỹ đang sử dụng chiến lược kết hợp giữa tuyên truyền, ngoại giao thầm lặng và có lẽ quan trọng nhất là tập trung vào tình hình quân sự ở Syria.
Những thay đổi trong chiến lược của Mỹ có thể thấy rõ trong những diễn biến tại tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy và là nơi sinh sống của khoảng 3,5 triệu dân thường. Idlib là vấn đề có thể gây nên căng thẳng trong liên minh Nga - Iran với Thổ Nhĩ Kỹ khi mà quân đội của các quốc gia này cùng đang hiện diện ở Syria nhằm giữ ổn định cho khu vực. Dù có quan hệ đối tác tạm thời nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vẫn phản đối việc giao Syria cho chính quyền ông Assad do Nga và Iran hậu thuẫn.
Tuy nhiên, có những mục tiêu chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không đồng nghĩa với việc chính quyền Tổng thống Trump sẽ thực hiện thành công chiến lược của mình. Trước tiên, quan hệ song phương Mỹ - Thổ đang căng thẳng cùng với việc Tổng thống Erdogan phản đối gay gắt Mỹ trong vấn đề người Kurd. Thêm vào đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường nỗ lực trong việc kéo Thổ Nhĩ Kỳ khỏi "quỹ đạo" của NATO và quan sát xem các tiến triển tích cực đang diễn ra liệu đáng tin đến đâu.
Tuy nhiên, Washington có chiến lược riêng của mình để xử lý các mối quan hệ chồng chéo này. Bằng cách củng cố quan hệ giữa Mỹ và người Kurd đồng thời nhất trí một danh sách dài các vấn đề song phương với ông Erdogan trong một thời điểm khác, Mỹ có thể tìm được những lợi ích chung với Thổ Nhĩ Kỳ và nhận được sự ủng hộ của Ankara tại Idlib, đánh dấu chiến thắng đầu tiên trong chiến lược ngoại giao thầm lặng của mình.
Dĩ nhiên, dù chiến lược ngoại giao thầm lặng với Thổ Nhĩ Kỳ thành công thì điều ấy cũng không đủ để Mỹ có thể thuyết phục các bên ủng hộ ông Assad từ bỏ cuộc tấn công đã lên kế hoạch vào Idlib. Vì thế, để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao này, Mỹ sẽ chuyển sang chiến lược tuyên truyền, dựa theo những quan chức cấp cao hàng đầu trong chính quyền Mỹ từ Tổng thống Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Đại sứ James Jeffrey. Họ đã từ bỏ khái niệm hẹp khi phản đối chính quyền của ông Assad sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, nhằm theo đuổi lập trường mạnh mẽ hơn khi coi bất kỳ chiến dịch quân sự nào do chính quyền ông Assad hậu thuẫn đều là một hành động liều lĩnh làm leo thang căng thẳng.
Những nỗ lực này được củng cố bằng một yếu tố nữa để củng cố tính hiệu quả của chiến lược ngoại giao thầm lặng và tuyên truyền. Đó chính là tập trung vào tình hình quân sự và sẵn sàng can thiệp vào những vấn đề khu vực nếu cần thiết. Điều quan trọng là những thay đổi mới trong chính sách của Mỹ ở Syria không chỉ bó hẹp trong việc Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria mà còn trong mục đích quan sát các động thái của Nga và Iran tại khu vực này.
Sự thay đổi này thể hiện ở việc Mỹ củng cố vị thế của mình ở đông bắc Syria với cả tài sản quân sự phòng thủ và tấn công, cũng như tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trong một tuần với các đồng minh của mình. Ngoài ra, Mỹ cũng điều thêm một tàu sân bay USS Essex, gần đây đã đến Biển Arabia, chở đầy những tiêm kích tàng hình F-35B - đánh dấu cho lần đầu tiên Mỹ dàn trận trong khu vực với chiến đấu cơ tàng hình hiện đại. "Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là phản ứng với những cuộc khủng hoảng", Colonel Chandler Nelms - chỉ huy lực lượng quân viễn chinh trên Essex giải thích.
Những nỗ lực đan xen của chính quyền Tổng thống Trump đã khiến ông Assad cũng như lực lượng ủng hộ Nga và Iran trì hoãn cuộc tấn công đã lên kế hoạch và giúp tạm dừng những gì Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres dự đoán về Idlib là sẽ trở thành một "thảm họa nhân đạo" hoặc một "bể máu". Nói cách khác, sự sẵn sàng về mặt quân sự của Mỹ trong cuộc khủng hoảng đang làm chuyển hướng những diễn biến ở Idlib, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
Thực lực chiến trường quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán
Những thay đổi trong chiến lược của Mỹ ở Syria đem đến một số lợi ích và góp phần củng cố vị thế của Mỹ tại đây.
Trước tiên cần phải xét đến kế hoạch của ông Putin nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Trung Đông. Cách duy nhất để Tổng thống Nga có thể thực hiện điều này là khiến Mỹ phải rút khỏi Syria. Điều này giải thích vì sao lực lượng Nga và Iran hiện đang chuẩn bị cho "các cuộc tấn công dọc sông" và "củng cố hệ thống chỉ huy và kiểm soát ở Đông Syria", Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết. Những động thái và cảnh báo này từ phía Nga đang đe dọa và thách thức Mỹ cũng như các đồng minh khu vực.
Nhà lãnh đạo Nga thừa nhận rằng vị thế của ông trên bàn đàm phán chính trị được quyết định bởi những diễn biến của lực lượng Nga và đồng minh trên chiến trường Syria và ở điểm này, ông Putin cho rằng tốt nhất trên bàn đàm phán chỉ nên có Nga, Tổng thống Assad và Iran.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump có một kế hoạch khác. Nếu gộp khoảng 10% lãnh thổ Syria do Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ với 30% lãnh thổ đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ và các đồng minh, gần một nửa lãnh thổ Syria vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Tổng thống Assad. Đại sứ Jeffrey đã nhận định: "Ông Assad vẫn trong tình thế khốn cùng khi hầu như không có kinh tế, không thể tiếp cận các nguồn nhiên liệu và khí đốt... và cũng không có hứa hẹn hay hy vọng gì bởi một phần chính sách của Mỹ là hợp tác với EU và các đồng minh Trung Đông cô lập Tổng thống Assad".
Các vấn đề Syria của Nga chung quy lại là vấn đề kiểm soát lãnh thổ và khả năng quân sự. Nga đang dựa vào liên minh chính trị với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để thể hiện sự thống nhất giữa 3 quốc gia này trước cộng đồng quốc tế vì nó thiết lập những nền tảng cơ bản cho Tiến trình Astana mà ông Putin xem là chìa khóa để đạt được những lợi ích chính trị dài hạn. Dĩ nhiên, đây cũng là nỗ lực của Nga để duy trì cấu trúc quyền lực với “con thuyền” Syria do ông Assad chèo lái nhưng Nga vẫn giữ vai trò là người quyết định cuối cùng. Thế nhưng, bằng cách thúc đẩy các tiến trình của Liên Hợp Quốc, vốn được các đồng minh Trung Đông và các nước EU ủng hộ, Mỹ đang làm suy yếu quyền quyết định tương lai Syria của ông Putin.
Chính quyền Tổng thống Trump “thừa kế” một Syria với đầy những vấn đề phức tạp - nơi mà vị thế của Iran và Nga đang tăng lên, đồng thời nhận thức được rằng quyền lực cũng như vai trò của Mỹ với tư cách là một đồng minh của các quốc gia khác đang suy giảm.Tuy nhiên, Mỹ có thể tăng cường ảnh hưởng của mình và khiến các đồng minh sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với những thay đổi trong chiến lược ở Syria. Bằng cách tiếp tục kết hợp một cách hiệu quả giữa ngoại giao, tuyên truyền và tập trung vào tình hình quân sự, Mỹ có khả năng tạo nên một lộ trình kết thúc trận chiến ở Syria.
Theo Kiều Anh
VOV