1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đông Á “dậy sóng” khi máy bay Nga - Trung - Nhật - Hàn đồng loạt xuất kích

(Dân trí) - Khu vực Đông Á tuần này trở thành “điểm nóng” khi 4 nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt triển khai máy bay chiến đấu để thực hiện các sứ mệnh liên quan tới chủ quyền lãnh thổ.

Đáp trả Hàn Quốc, Nga tung video máy bay ném bom bị chặn trên biển
Đông Á “dậy sóng” khi máy bay Nga - Trung - Nhật - Hàn đồng loạt xuất kích - 1

Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Nga (Ảnh: AP)

Căng thẳng tại khu vực Đông Á leo thang vào ngày 23/7 sau khi Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đồng loạt triển khai máy bay quân sự tới biển Nhật Bản, buộc Seoul phải bắn hàng trăm phát đạn cảnh cáo trong khi 3 nước còn lại lên tiếng phản đối và phủ nhận các cáo buộc nhằm vào mình.

Hàn Quốc và Nhật Bản cáo buộc Nga xâm phạm không phận, sau khi máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Moscow đã bay vào khu vực mà cả Seoul và Tokyo đều tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định nước này chỉ tiến hành cuộc tuần tra đầu tiên với Trung Quốc trên biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.

Căng thẳng trong khu vực bắt đầu leo thang vào sáng ngày 23/7, khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo máy bay của nước này đã bắn 360 phát đạn nhằm cảnh cáo máy bay ném bom Nga bay qua đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima) - thực thể tranh chấp giữa Seoul và Tokyo.

Theo cáo buộc của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các máy bay quân sự của Nga, gồm 2 máy bay ném bom Tu-95 và một máy bay A-50, đã đi vào vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía đông, trước khi máy bay A-50 bay vào không phận thuộc chủ quyền của Hàn Quốc.

Hàn Quốc cho biết máy bay Nga sau đó đã rời đi. Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn sau khi 2 máy bay ném bom Tu-95 của Nga và 2 máy bay quân sự của Trung Quốc tiếp tục tiến vào vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, cũng trong ngày 23/7. Đáp lại, Hàn Quốc triệu tập các nhà ngoại giao Nga và Trung Quốc để trao công hàm phản đối.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ không có thông tin về vụ việc trên, song khẳng định vùng nhận diện phòng không không được coi là không phận.

Đông Á “dậy sóng” khi máy bay Nga - Trung - Nhật - Hàn đồng loạt xuất kích - 2

Máy bay KF-16 Hàn Quốc cất cánh từ căn cứ không quân Seosan (Ảnh: Stripes)

Vài giờ sau khi Hàn Quốc thể hiện lập trường phản đối Nga, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc, nói rằng lẽ ra Tokyo, chứ không phải Seoul, mới là bên có động thái phản đối Moscow. Nhật Bản gửi công hàm phản đối tới cả Nga và Hàn Quốc.

“Takeshima thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Lẽ ra Nhật Bản mới là bên có hành động phản đối máy bay Nga xâm phạm không phận. Nhật Bản không đồng ý với việc Hàn Quốc thực hiện động thái đó”, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết đã triển khai các máy bay chiến đấu để đối phó với các máy bay ném bom Tu-95 của Nga và 2 máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc. Những máy bay này đã bay vào vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, song vẫn chưa xâm phạm không phận mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận việc nước này xâm phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào. Nga cho biết máy bay quân sự của nước này cùng máy bay Trung Quốc đã tiến hành tuần tra chung tại biển Nhật Bản và biển Hoa Đông.

“Các chuyến bay đều diễn ra theo lộ trình được lên kế hoạch từ trước, và không xâm phạm không phận của bất kỳ nước nào”, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, đồng thời khẳng định cuộc tuần tra diễn ra trong khuôn khổ hợp tác quân sự Nga - Trung và không nhắm mục tiêu tới bất kỳ nước nào.

Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định các máy bay chiến đấu Hàn Quốc không bắn cảnh cáo, tuy nhiên Moscow cáo buộc hai máy bay chiến đấu F-16 của Seoul đã hành xử “không chuyên nghiệp” khi chặn ngang đường bay của các máy bay Nga và đe dọa tới sự an toàn của các máy bay này.

Toan tính của các bên

Video tiêm kích Hàn Quốc chặn máy bay ném bom Moscow xâm nhập không phận

Hàn Quốc và Nhật Bản đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại khi Tokyo gần đây hạn chế xuất khẩu các hóa chất quan trọng sang Hàn Quốc. Hai nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng tranh cãi về di sản của thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trước khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng bành trướng sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ gia tăng. Bắc Kinh gần đây tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ quân sự với Nga để đối trọng với sức mạnh từ Washington.

Theo ông Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cuộc tuần tra chung của Trung Quốc và Nga trong khu vực.

“Tuy nhiên, đây có thể được xem là nỗ lực chung (của Nga - Trung) nhằm đối trọng với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đồng thời thử phản ứng của Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo ngày càng xấu đi và hai bên đều tranh chấp về hòn đảo mà máy bay A-50 của Nga tới gần”, ông Hinata-Yamaguchi nhận định.

Giới quan sát cho rằng máy bay quân sự Trung Quốc sẽ còn thường xuyên tiến vào không phận Hàn Quốc, giữa lúc Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại biển Hoa Đông và đẩy mạnh giám sát các hoạt động của Mỹ. Tuy vậy, giới phân tích quân sự nhận định đối đầu giữa Bắc Kinh và Seoul ít có khả năng xảy ra.

Ni Lexiong, nhà bình luận các vấn đề quân sự tại Thượng Hải, Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ trên biển Hoa Đông.

“Đây là thông điệp gửi tới Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ rằng, chúng tôi (Trung Quốc) vẫn hiện diện ở đây, vì thế đừng quá gần gũi Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra”, chuyên gia Ni bình luận.

Artyom Lukin, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, Nga, mô tả vụ việc căng thẳng tại Đông Á gần đây là cách để Nga và Trung Quốc phô diễn sức mạnh chung, đồng thời “gửi thông điệp tới cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ”.

Thành Đạt

Theo SCMP