Đối thủ chính trị của bà Yingluck: Trẻ hơn, đẹp hơn và… bốc đồng hơn
Là người thừa kế của hãng bia Singha- hãng bia lớn nhất Thái Lan, du học tại Anh và cũng rất xinh đẹp nhưng không kém phần bốc đồng. Một cô gái được chính giới Thái Lan đánh giá sẽ là đối thủ trong tương lai của bà Yinluck.
Chitpas Bhirombhakdi (người phụ nữ duy nhất trong ảnh) – nữ thừa kế hãng bia Singha, chụp ảnh cùng người trở thành Thủ tướng sau này - Abhisit Vejjajiva tại đại hội Đảng Dân chủ tại Trung tâm mua sắm Central World ở Bangkok vào 23.6.2011.
Cô là con gái của Chutinant Bhirombhakdi – phó chủ tịch điều hành tập đoàn Singha và thường được gọi là “nữ thừa kế Singha”. Nhìn vào cô, có lẽ nhiều người cũng liên tưởng tới nữ thủ tướng Yingluck: trẻ, đẹp và giàu có. Nhưng không chỉ có thế, cũng như bà Yingluck vài năm trước, cô cũng nuôi mộng trở thành Thủ tướng.
Vào năm 2011, cô là một ứng cử viên rất sáng giá của Đảng Dân chủ để tranh cử thủ tướng và từng nỗ lực thúc đẩy chiến dịch gặp gỡ người dân nhưng đã thất bại ngay tại đơn vị bầu cử địa phương. Theo một số người thì lý do là vì trước đó cô đã từng phát biểu đại ý rằng những người ít học thì biết gì mà bỏ phiếu, mặc dù cô từng tung hô Đảng Dân chủ của mình là Đảng thực sự dân chủ vì không có các nhà tài phiệt. Do đó, chưa cần tính đến nguồn gốc “tư sản cỡ lớn” của cô thì việc coi thường những người bình dân “tạm coi là ít học” đã thể hiện sự thiếu dân chủ nghiêm trọng.
Sau đó, cô trở thành Phó phát ngôn viên của Đảng Dân chủ và vẫn tiếp tục tìm cách để lại dấu ấn của mình trong các tuyên bố của Đảng. Như vào tháng 8.2011, với tư cách là Phó phát ngôn viên của Đảng Dân chủ, cô đã từng bày tỏ sự biết ơn đối với Bộ trưởng Bộ Công nghệ truyền thông thông tin (ICT) vì đã kiểm soát chặt chẽ các trang web đăng tải thông tin phỉ báng chế độ quân chủ.
Tuy nhiên, trong cuộc biểu tình gần đây thì người ta lại thấy hình ảnh cô đứng trên xe ủi đất đâm vào hàng rào cảnh sát và là một trong những người phát ngôn đầy “nhiệt huyết” chống lại chế độ quân chủ hiện tại.
Khi cô xuất hiện trước công chúng lần đầu thì nhiều người cho rằng cô chỉ là “người mới” gia nhập chính trường, nhưng thực tế cô đã từng đảm nhận rất nhiều chức vụ khá quan trọng trong chính phủ.
Từ năm 2009, Chitpas đã là thư ký của Bộ trưởng ICT – dù không ai biết làm cách nào mà cô ta leo lên được vị trí đó. Đồng thời cô cũng đã từng là một nhân viên trong văn phòng thư kí của thủ tướng vào năm 23 tuổi, nhưng đã phải rời nhiệm sở vì mang 2 thùng lịch tới nơi làm việc và phát cho mọi người.
Dĩ nhiên, nếu chỉ là lịch đơn thuần thì không ai nói làm gì, nhưng việc phát bộ lịch này lại tồn tại 3 vấn đề “nhức nhối”: (1) đó là lịch quảng cáo bia cho hãng của cha cô, mà ở Thái thì cấm việc quảng cáo thức uống có cồn; (2) trên lịch có in hình các cô gái khỏa thân, tức là đã phần nào truyền bá các sản phẩm không phù hợp văn hóa trên một đất nước Phật giáo lâu đời; (3) và vấn đề quan trọng nhất là nơi phát lịch – tòa nhà chính phủ tại Bangkok. Vì vậy, không khó hiểu tại sao cô đã phải từ chức và xin lỗi công khai.
Chỉ mất vài năm, cô đã leo lên các vị trí chính trị đầy triển vọng một cách “khó hiểu”, nhưng cũng chỉ trong vài năm mà cô đã gây ra không ít sóng gió và tự đẩy mình xa khỏi giấc mơ thủ tướng một cách cũng “khó hiểu” không kém. Không rõ tài năng chính trị của cô tới mức độ nào mà lại can đảm làm những việc kỳ lạ - trước sau bất nhất như vậy, nhưng dám chắc rằng, nếu chỉ xét tài sản và nhan sắc thì cô cũng đã đủ sức đương đầu với nữ thủ tướng Yingluck.
Theo Vũ Thành Công
Một thế giới