Đối thoại - tín hiệu chuyến công du thứ hai của ngoại trưởng Mỹ
(Dân trí) - Sáu tuần trong cương vị mới với hai chuyến công du nước ngoài, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang chuyển tải với cả thế giới thông điệp về cách tiếp cận của chính quyền Obama với những thách thức ngoại giao dù gai góc nhất: Mỹ muốn đối thoại hơn đối đầu.
Tại Jerusalem của Israel, bà Clinton tiết lộ Washington phái hai sứ giả sang thủ đô Syria; tại trụ sở của NATO tại Brussels (Bỉ), bà đề xuất sáng kiến mời Iran ngồi vào bàn hội nghị về Afghanistan hay tại Geneva, bà cùng với ngọai trưởng Nga Serguei Lavrov đồng ý ''bấm nút'' - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, kích hoạt trở lại quan hệ song phương Mỹ-Nga.
Những ngày ở Israel, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thông báo là Mỹ sẽ cử hai đặc sứ tới Syria tiến hành đối thoại trực tiếp với chính quyền Damascus về tương lai quan hệ song phương. Mục tiêu cuộc tấn công ngoại giao của Mỹ là tìm cách cải thiện quan hệ với Syria, qua đó, thúc đẩy tiến trình hòa đàm tại Cận Đông. Trong một cử chỉ thiện chí, Mỹ đã quyết định tài trợ 500.000 USD cho một hiệp hội từ thiện của Syria mà chủ tịch là phu nhân của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trước đó, bà Hillary đã chủ động tiến về phía Ngoại trưởng Syria để trao đổi với ông bên lề hội nghị các nhà tài trợ cho dải đất Gaza, đi kèm theo với bầu không khí mới.
Chặng dừng chân cuối ở Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên đã thảo luận về các vấn đề Trung Đông, Iraq, Afghanistan, cuộc chiến chống khủng bố và cam kết tăng cường quan hệ. Quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng dưới chính quyền của Tổng thống Bush. Quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo này từ chối không cho Mỹ sử dụng nước họ để mở các cuộc tấn công Iraq khi lực lượng do Mỹ chỉ huy tiến vào Iraq hồi năm 2003. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ với các các nước Ảrập lẫn Israel và đóng một vai trò then chốt trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết Tổng thống Obama đã lên kế hoạch sớm tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, đưa quốc gia Hồi giáo này trở thành một trong những điểm công du đầu tiên của ông kể từ khi đặt chân vào Nhà Trắng.
Ở đâu Hillary Clinton cũng nỗ lực tỏ thiện chí của Mỹ, đọan tuyệt với chính sách cũ của chính quyền Bush.
Dư luận đặc biệt lạc quan và tin tưởng vào khả năng tiếp cận mới này của chính quyền Obama sau cuộc tiếp xúc giữa hai ngoại trưởng Nga và Mỹ. Mỹ và Nga đã cam kết lật sang một trang mới trong quan hệ mà thời gian gần đây từng rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, và khởi động kế hoạch nhằm đạt được thoả thuận về vấn đề tên lửa hạt nhân chiến lược vào cuối năm nay.
Không chỉ quan tâm đến các đối thủ, chuyến công du của bà Hillary cũng là cơ hội để Mỹ xây dựng những nhịp cầu mới với các đồng minh. Ngoại trưởng Mỹ đã hứa với châu Âu phát huy quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã bị nhiều thử thách dưới thời tổng thống Bush. Đi xa hơn nữa, nhân một cuộc tọa đàm với giới trẻ châu Âu tại Brussels, bà Hillary đã thú nhận những sai lầm đã qua của Mỹ, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý kinh tế.
Trong thời gian Ngoại trưởng Hillary bận rộn, tân đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong một bài phỏng vấn công bố hôm 7/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ không thắng trong cuộc chiến ở Afghanistan và đề cập gián tiếp tới việc hội đàm với các phần tử ôn hoà trong Taliban.
Sau 6 tuần chính thức lên cầm quyền ở Mỹ, ông Obama đã được tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur khen ngợi vì đã phác hoạ được hình ảnh một nước Mỹ mà nhiều người mong đợi. Trong khi chờ đợi các đề xuất của Washington sẽ được thực tế xét nghiệm, rõ ràng là chính sách ngoại giao mới mẻ này đang thổi một luồng gió dễ chịu và cởi mở, khác hẳn với thái độ khép kín của chính quyền cũ.
Nguyễn Viết
Theo Reuters, AFP, AP