Đối thoại Shangri-La 2022: Khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế
(Dân trí) - Lần đầu tiên được tổ chức lại theo hình thức trực tiếp sau 2 năm không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Đối thoại Shangri-La 2022 đã để lại những dấu ấn rõ nét.
Đối thoại Shangri-La 2022 đã kết thúc ngày 12/6 tại Singapore sau 3 ngày làm việc tích cực. Nhiều vấn đề an ninh quốc phòng nóng của khu vực và thế giới đã được hơn 500 đại biểu đại biểu đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nêu lên và thảo luận sôi nổi.
Căng thẳng Mỹ - Trung
Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm trong Đối thoại Shangri-La lần này.
Trong bài phát biểu vào sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chỉ trích Trung Quốc có những hành động "ngày càng quyết liệt và mang tính cưỡng ép liên quan tới các yêu sách về lãnh thổ ở châu Á", đặc biệt là tại Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan hiện vẫn là trọng tâm trong những bất đồng với Trung Quốc. Bộ trưởng Austin đã khẳng định rằng Mỹ vẫn tôn trọng chính sách Một Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Austin cũng nói rằng nước này sẽ phản đối tất cả những động thái đơn phương làm thay đổi hiện trạng tại hòn đảo này.
Đáp lại lời chỉ trích của ông Austin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Đồng thời, ông Ngụy cũng yêu cầu Washington D.C chấm dứt những động thái can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.
Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Trong bài phát biểu vào sáng 12/6, ông đã đưa ra một tuyên bố đanh thép về lập trường của Bắc Kinh với khả năng Đài Loan tuyên bố độc lập.
"Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng để ngăn Đài Loan độc lập. Đây là lựa chọn duy nhất của chúng tôi. Những người tìm cách giành độc lập cho Đài Loan với mục tiêu chia cắt Trung Quốc sẽ không có đạt được mục đích", Bộ trưởng Ngụy Phương Hòa cho biết.
Bất chấp những bất đồng vẫn còn đang tồn đọng, Đối thoại Shangri-La lần này cũng đã chứng kiến cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Austin nhậm chức.
Cuộc gặp này được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu cho quá trình "làm tan băng" cho mối quan hệ giữa hai cường quốc, đặc biệt là khi Bộ trưởng Lloyd Austin đã đề cập với tướng Ngụy Phương Hòa về sự cần thiết của việc "quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở".
Khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế
Trong các bài phát biểu cũng như các phiên thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan ngại với những hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình quốc tế.
Ngoài những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và các vụ thử tên lửa đạn đạo liên tục trong thời gian qua của Triều Tiên cũng đã được đưa ra như những ví dụ tiêu biểu cho vấn đề trên.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, những hành động trên sẽ gây ra sự "lung lay trong niềm tin của các quốc gia về các quy tắc chung của luật pháp cũng như các mối quan hệ quốc tế", qua đó tạo nên nguy cơ phá vỡ ổn định và an ninh của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, một vấn đề quan trọng được đặt ra trong Đối thoại Shangri-La lần này là kêu gọi các quốc gia phải tuân thủ việc hành động dựa trên khuôn khổ, cũng như sử dụng các quy chuẩn của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết những bất đồng.
Trong bài phát biểu quan trọng với tư cách là diễn giả chính của Đối thoại, Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.
"Không một quốc gia nào được phép hành động như thể luật pháp quốc tế không tồn tại, và cũng không một ai được phép đơn phương thay đổi luật lệ nếu chưa có sự đồng thuận mới", ông Kishida kết luận.
Tăng cường năng lực quốc phòng trên cơ sở tôn trọng hòa bình và ổn định
Các kế hoạch tăng cường năng lực an ninh quốc phòng nhằm đối phó với các bất ổn trong khu vực cũng đã được các nguyên thủ và quan chức cao cấp của các quốc gia châu Á đưa ra trong Đối thoại Shangri-La.
Tối 10/6, Thủ tướng Nhật Bản đã nhắc lại về cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Đáng chú ý, Tokyo đang cân nhắc việc mua các loại vũ khí có thể giúp lực lượng phòng vệ nước này tăng cường "năng lực tấn công đáp trả" nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang nhằm vào Nhật Bản trong tương lai. Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Kishida cũng đang có kế hoạch hỗ trợ các nước "có chung tầm nhìn" trong khu vực nâng cao năng lực an ninh.
Các đại biểu khác tham dự Đối thoại Shangri-La lần này cũng chia sẻ quan điểm về vai trò quan trọng của hòa bình, ổn định và hợp tác đối với sự phát triển thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới. Các đại biểu nhất trí rằng những động thái tăng cường vũ trang sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích phòng vệ chính đáng. Nếu các bất đồng xảy ra, thay vì xung đột vũ trang, các quốc gia sẽ cùng nhau thảo luận và giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh mới
Bộ trưởng Quốc phòng Fiji Inia Seruiratu cũng có một trong những phát biểu nhận được sự chú ý tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19.
Trong bài tham luận, thay vì bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ các cuộc xung đột vũ trang do căng thẳng giữa các quốc gia có thể đe dọa đến hòa bình trên thế giới, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Fiji khẳng định chính tình trạng biến đổi khí hậu mới đang là thách thức an ninh lớn nhất đối với nhân loại ở thời điểm này.
"Ở Thái Bình Dương, súng máy, máy bay chiến đấu hay tàu chiến không phải là mối bận tâm chính. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của chúng tôi chính là tình trạng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ hủy hoại mọi hy vọng và giấc mơ về sự thịnh vượng ở nơi này", ông Seruiratu nói.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Quốc phòng Fiji đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia hợp tác nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tác động trong tương lai của các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh và vấn nạn tin giả. Thông điệp này của ông Seruiratu đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La.