1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đối thoại Mỹ - Trung kết thúc trong bất đồng đến phút chót

(Dân trí) - Cuộc Đối thoại kinh tế - chiến lược thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm nay (10/7) đã kết thúc sau 2 ngày hội đàm, mà các bên không thể gạt bỏ những khác biệt, cho đến tận cuộc họp báo chung cuối cùng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tỏ rõ thái độ phản đối Trung Quốc
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) tỏ rõ thái độ phản đối Trung Quốc

Ngồi cạnh những quan chức chủ nhà, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không ngần ngại chỉ trích Trung Quốc về những điều mà ông mô tả là “hiệu ứng lạnh” của hoạt động đột nhập qua mạng Internet đối với các doanh nghiệp Mỹ.

“Các vụ việc đánh cắp qua mạng đã gây hại cho các doanh nghiệp của chúng tôi, và đe dọa mức độ cạnh tranh của đất nước tôi”, ông Kerry cảnh báo trong cuộc họp báo chung bế mạc 2 ngày đối thoại Mỹ - Trung tại đại lễ đường nhân dân.

“Việc mất cắp tài sản trí tuệ do hoạt động gián điệp mạng đã tạo một hiệu ứng lạnh lên hoạt động đầu tư và sáng tạo”, vị Ngoại trưởng cảnh báo.

Hồi tháng 5 vừa qua, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh, Washington vẫn khởi tố 5 sỹ quan quân đội Trung Quốc về tội đột nhập các công ty Mỹ.

Đây chỉ là một trong số nhiều bất đồng và thách thức được hai cường quốc kinh tế dẫn đầu thế giới bàn thảo trong cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược thường niên lần thứ sáu.

Trung Quốc thì quả quyết mình cũng là nạn nhân của hoạt động đột nhập máy tính, và cáo buộc Washington đạo đức giả bởi chính Mỹ cũng thực hiện hoạt động giám sát trên diện rộng ở khắp thế giới.

Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Chì khẳng định, an ninh mạng là “một mối đe dọa và thách thức chung với tất cả các nước. Không gian mạng không nên trở thành một công cụ để phá hỏng lợi ích của các nước khác”, ông Dương cảnh báo, tại một sự kiện được khẳng định là họp báo, nhưng thực chất chỉ là buổi đọc các thông cáo của hai bên.

Ông Kerry cũng gây sức ép lên Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền, khi khẳng định với báo chí Washington sẽ luôn hành động vì “các giá trị của chúng tôi và thúc đẩy nhân quyền, tự do”. Ông cũng cho biết mình đã “bày tỏ quan ngại về các vụ bắt giữ mới đây” đối với các phóng viên và luật sư với người đồng cấp nước chủ nhà.

Bất đồng về tranh chấp biển đảo

Ngoài các vấn đề nêu trên, cả Mỹ và Trung Quốc cũng bất đồng về cách giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông, giữa lúc xuất hiện những cảnh báo từ Mỹ rằng, Trung Quốc có nguy cơ khơi mào cho xung đột khi tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ rộng lớn.

“Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần hành động một cách kiềm chế, và theo đuổi đường lối ngoại giao, hòa bình”, Kerry nói.

Dù vậy, trước đó ông Dương tuyên bố: “Trung Quốc quyết giữ vững quyền chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình”. “Trung Quốc hối thúc phía Mỹ có thái độ khách quan, chỉ bày tỏ lập trường và tôn trọng cam kết không đứng về phía nào của mình”

Thành quả đáng kể lớn nhất của 2 ngày đối thoại có lẽ đó là việc các bên đã tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề kinh tế.

Ông Kerry cho biết hai bên “đã thống nhất về tầm quan trọng và sự bức thiết trong việc phi hạt nhân hóa, vì một bán đảo Triều Tiên ổn định và thịnh vượng”, ông Kerry nói.

Họ cũng đã thảo luận “những phương thức cụ thể” để đảm bảo Triều Tiên thực thi các nghĩa vụ của mình, Kerry nói.

Thanh Tùng
Theo AFP