1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines - Nhật Bản tăng cường hợp tác:

Đối phó những thách thức an ninh mới

Chưa đầy một năm sau chuyến công du Nhật Bản cuối tháng 6-2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa rời Manila đi thăm Nhật Bản từ ngày 2 đến 5-6. Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á Benigno Aquino hiện diện tại đất nước Mặt trời mọc kể từ khi nhậm chức năm 2010.

Thế nhưng chuyến thăm đang diễn ra lại mang một tầm vóc mới vì đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông B.Aquino trên cương vị Tổng thống Philippines tới Nhật Bản với nhiều kỳ vọng trong quan hệ hai nước thời gian tới.

Philippines và Nhật Bản vừa tổ chức cuộc diễn tập chống cướp biển ngoài khơi Philippines
 
Philippines và Nhật Bản vừa tổ chức cuộc diễn tập chống cướp biển ngoài khơi Philippines

Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh hai nước đang phải đối phó với những thách thức an ninh khi Trung Quốc liên tục có hành xử đơn phương gây căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc không ngừng có những động thái làm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông khi ráo riết xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nước có chủ quyền liên quan cũng như luật pháp quốc tế.
 
Trước những thách thức đó, cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống B.Aquino với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe tại Tokyo vào ngày 4-6 tới sẽ tập trung bàn thảo một loạt vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai quốc gia ở khu vực Châu Á. Trong đó, lãnh đạo hai nước dự kiến sẽ nhất trí khởi động đàm phán để sớm ký kết một thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng cũng như thảo luận một hiệp ước về quy chế dành cho quân nhân Nhật Bản đến Philippines tham gia các cuộc huấn luyện chung.
 
Sau khi nới lỏng quy tắc khắt khe về xuất khẩu vũ khí hồi tháng 4-2014, Nhật Bản hiện đã có thể xuất khẩu trang thiết bị và công nghệ quốc phòng với điều kiện nước nhập khẩu ký một thỏa thuận về cấm chuyển giao công nghệ Nhật Bản cho nước thứ ba. Vì thế, qua chuyến thăm, Nhật Bản và Philippines sẽ đẩy nhanh tiến độ để có thể sớm ký một thỏa thuận như vậy. Trong đó, máy bay tuần tra P3-C và các thiết bị radar của Nhật Bản được xem là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng cho Philippines.
 
Trước đó, trong chuyến công du Philippines tháng 7-2013, Thủ tướng S.Abe đã cam kết giúp đỡ củng cố năng lực giám sát biển của Philippines bằng cung cấp 10 tàu tuần tra cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước này nhằm giám sát những vùng lãnh hải tranh chấp. Dự kiến cuối năm nay Philippines sẽ nhận chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong số 10 tàu tuần tra có chiều dài 40m mà Nhật Bản đang đóng cho Manila.
 
Là một trong hai đối tác chiến lược quan trọng của Philippines cùng với Mỹ, Nhật Bản ngày càng xích lại gần Philippines là dễ hiểu, đặc biệt những hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Đầu tháng 5 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines và Nhật Bản cũng đã tiến hành cuộc diễn tập chung chống cướp biển; đồng thời, hai tàu khu trục Nhật Bản và một trong số tàu chiến mới nhất của Philippines đã có cuộc tập trận hải quân lịch sử trên Biển Đông.
 
Cuộc tập trận dài ngày này, vốn là cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines, được thao luyện cách bãi đá ngầm Scarborough do Manila tuyên bố chủ quyền, song hiện do Trung Quốc kiểm soát và gọi là đảo Hoàng Nham, chỉ chưa đầy 300km. Dù Philippines khẳng định cuộc tập trận chỉ nhằm tăng cường năng lực quân sự nhưng các nhà phân tích an ninh cho rằng đây là dấu hiệu gia tăng sức mạnh hải quân của nước chủ nhà liên quan tranh chấp căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua.
 
Không chỉ với Philippines, các động thái gần đây cho thấy Nhật Bản ngày càng coi trọng hợp tác với ASEAN thông qua những thay đổi trong chính sách đối ngoại cũng như an ninh. Nhằm thể hiện sự can dự hơn vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 mới đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã nêu đề xuất của nước này về "Sáng kiến Đối thoại Shangri-La" nhằm tăng cường an ninh hàng hải trong khu vực.
 
Sáng kiến tập trung vào ba yếu tố gồm: Hoàn thiện các quy tắc chung và pháp luật trên biển trong khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy các cuộc tập trận chung và xem xét những biện pháp phòng ngừa tai nạn liên quan đến tàu ngầm.
 
Rõ ràng, với vai trò cầu nối giữa Nhật Bản với ASEAN, chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống B.Aquino không chỉ khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước mà còn cho thấy vai trò không thể thiếu của Nhật Bản trong duy trì an ninh khu vực.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới