1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối đầu kinh tế Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ trầy vi, người tróc vảy

Vào thời điểm hiện nay, bất kỳ động thái nào nhằm gây thiệt hại về kinh tế với Ankara cũng sẽ có tác động ngược lại đối với Moscow.

Trong gần một phần tư thế kỷ qua, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập mối quan hệ chính trị và kinh tế khá vững chắc. Tính đến thời điểm 24/11/2015 [thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria dẫn đến cái chết bi thảm của 1 phi công], hợp tác kinh tế giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những kết quả khá ấn tượng.

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2008 trước khi sụt giảm một chút do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.  Trong ba năm qua, kim ngạch thương mại hai nước dao động ở mức từ 31-34 tỷ USD/năm. Vào thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Tính đến trước thời điểm 24/11/2015, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên tới 100 tỷ USD vào năm 2023. Thậm chí các nhà ngoại giao của hai nước đã thảo luận về triển vọng ký kết thỏa thuận hình thành một khu vực thương mại tự do đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nói cách khác, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ muốn thị trường hai nước “hòa vào làm một”.

Đối đầu kinh tế Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ trầy vi, người tróc vảy - 1

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là khách hàng khí đốt lớn thứ hai của Nga. (Ảnh: RT)

Lợi ích của thương mại song phương đối với Nga

Xét về cơ cấu thương mại song phương, rõ ràng Nga có lợi hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác lớn thứ 5 của của Nga về xuất khẩu (Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ Nga khoảng 25 tỷ USD chủ yếu là khí đốt, kim loại và các sản phẩm nông nghiệp). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 chỉ khoảng 7 tỷ USD. Các sản phẩm mà Nga nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đều rất thiết yếu cho nền kinh tế (máy móc, thiết bị, hàng dệt may, vật liệu xây dựng, thực phẩm) không dễ gì thay thế bằng các sản phẩm “nội” trong một sớm một chiều.

Về hợp tác du lịch, ước tính năm 2014 có khoảng 4,4 triệu du khách Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ - nơi mà cơ sở hạ tầng chất lượng cao được xây dựng để đón tiếp họ. Rõ ràng, một “lệnh cấm vận” về du lịch từ Nga sẽ tác động xấu đến việc kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi rằng đây liệu có thực sự là mục tiêu trong chính sách ngoại giao của Nga? Nếu không tới Thổ Nhĩ Kỳ, du khách Nga sẽ tới đâu gần hơn và rẻ hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong kỳ nghỉ năm 2016?

Xét về kim ngạch thương mại song phương, Nga hiện là đối tác lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ về nhập khẩu, thậm chí vượt qua Đức trong năm 2014. Tuy nhiên, Nga hiện không phải là đối tác lớn nhất về xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015. Mặc dù vậy, cần nhớ rằng, nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga), người dân ở phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hứng chịu cảnh mất điện, không có nhiên liệu sưởi ấm và hóa đơn điện sẽ tăng rất cao.

Bên cạnh đó cũng phải tính đến việc hiện có hơn 8.000 người Nga đang sở hữu bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các khoản đầu tư của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đạt 10 tỷ USD trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga số tiền tương đương và cung cấp hàng chục ngàn việc làm, hàng trăm triệu rúp tiền thuế cho Nga.

Theo các chuyên gia, quan hệ thương mại, đầu tư Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bất kỳ động thái nào nhằm gây thiệt hại về kinh tế với Ankara cũng sẽ có tác động ngược lại đối với Moscow.

Đối đầu kinh tế Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Kẻ trầy vi, người tróc vảy - 2

Cả Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cần tránh những tính toán sai lầm vào thời điểm hiện nay. (Ảnh: AP)

Giữ các kênh đối thoại mở và tránh những tính toán sai lầm

Giáo sư Stanislav Tkachenko, Ban Quan hệ quốc tế trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Pertersburg (Nga) cho rằng, Nga sẽ tự “bắn vào chân mình” nếu tham gia vào cuộc chiến kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến này sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga. Ngoài ra các biện pháp trừng phạt kinh tế không có mục đích rõ ràng sẽ gây hệ lụy xấu đến nền kinh tế và việc duy trì uy tín của Nga.

Theo ông Stanislav Tkachenko, chúng ta đang sống trong một thế giới mà chính trị và kinh tế có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. Đó chính là lý do mà giới chức các nước cần phải biết tránh những “cuộc chiến nhỏ” vì một mục tiêu lớn hơn.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga dù gây tranh cãi và khiến giới chức Nga đòi hỏi phải có một cách lý giải rõ rằng về minh bạch từ phía Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng buộc Bộ Quốc phòng Nga phải “rút ra bài học” để đảm bảo rằng, sau ngày 24/11, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đe dọa đến các lực lượng của Nga hoạt động ở Syria nữa.

Ngoài ra, các nhà ngoại giao Nga cần để ngỏ cánh cửa liên lạc với Thổ Nhĩ Kỳ để bất cứ lúc nào Nga cũng có thể chuyển đến phía Thổ Nhĩ Kỳ quan điểm của mình. Trong thời điểm đó, Nga cần duy trì mối quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì “vứt bỏ” mối quan hệ thương mại song phương kéo dài suốt 25 năm qua.

Cũng theo giáo sư Stanislav Tkachenko, nếu Kremlin xem xét chính sách với Thổ Nhĩ Kỳ qua một lăng kính tiêu cực và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria trở thành chiến tuyến đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thì hợp tác về kinh tế sẽ mất tất cả ý nghĩa. Thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ trở thành nạn nhân không thể tránh khỏi của cuộc đối đầu này.

Tổn thất kinh tế của việc cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga có thể vượt quá 30 tỷ USD. Một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga như năng lượng, luyện kim sẽ bị giáng một đòn nặng. Sự tăng trưởng kinh tế mong manh của Nga sau gần một năm suy thoái sẽ lại bị "vùi dập".

Chính vì thế, nhiệm vụ chính của Nga là thực thi các biện pháp ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và tránh để việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì "hành động phi pháp" của nước này đối với một chiếc máy bay của Nga có thể làm tổn hại đến sự thịnh vượng của Nga./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN