1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Đoàn tàu hạt nhân" Nga khi nào trở lại?

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Hiện có các dự đoán khác nhau về việc khi nào các "đoàn tàu hạt nhân" uy lực sẽ được trang bị trở lại cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Đoàn tàu hạt nhân Nga khi nào trở lại? - 1

Hệ thống tên lửa di động đường sắt (Ảnh: TASS).

"Barguzin" và "Molodets" là tên gọi của các tổ hợp tên lửa di động trên đường sắt (viết tắt tiếng Nga là BZRK) của Liên Xô. Hiện tại, cả 2 tổ hợp này không có mặt trong quân đội Nga. Tuy nhiên, trang tin Sina của Trung Quốc, trong một bài đánh giá quân sự, cho rằng trong vòng 3-5 năm tới, lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ nhận được đoàn tàu tên lửa BZRK Barguzin và đặc tính của nó đủ để quân đội Mỹ dè chừng.

Có một thời, BZRK Molodets được phương Tây đặt cho biệt danh là "bóng ma hạt nhân" vì khả năng di chuyển bí mật đường dài và có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ Liên Xô. Tổ hợp này được trang bị tên lửa 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn RT-23 UTTH Molodets (tên gọi của tên lửa với tổ hợp này là một), được phục vụ trong Lực lượng tên lửa chiến lược từ năm 1987 đến 2005.

Tính đến năm 1991, tổng cộng có 3 sư đoàn tên lửa như vậy đã được triển khai, mỗi sư đoàn được biên chế 4 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 3 bệ phóng. Nghĩa là, có 36 tên lửa đạn đạo trên bệ phóng di động có thể chạy khắp nơi trên đất nước cùng một lúc.

Một trong những ưu điểm của BZRK là tính bí mật của nó: không thể phân biệt được những tổ hợp này với các đoàn tàu chở hàng, ngay cả khi ở khoảng cách vài mét. Các tên lửa được đặt bên trong toa xe và chỉ được nâng lên trước khi phóng. Trên các toa xe cũng có đài chỉ huy. Thành phần cán bộ chiến sỹ của một "đoàn tàu chiến lược" như vậy có tới 70 người, thậm chí đảm nhận vai trò thợ máy cũng là sỹ quan.

Do tên lửa đạn đạo có trọng lượng lớn (tên lửa kèm bệ phóng nặng hơn 150 tấn), nên phạm vi di chuyển của BZRK bị hạn chế. Đối với mỗi sư đoàn tên lửa, cần phải tăng cường gia cố đường ray và các cây cầu trong bán kính 1.500 km tính từ căn cứ của chúng. Tuy nhiên, nếu tính đến thực tế là các sư đoàn đóng tại tỉnh Kostroma, vùng lãnh thổ Perm và Krasnoyarsk và tầm phóng tên lửa Molodets lên tới 10.450 km thì các tên lửa này có thể "bao phủ" gần như toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.

Song, đáng tiếc là Molodets đã bị cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev "đưa vào kho" trước sự mừng thầm của phương Tây và thở phào nhẹ nhõm của nước Mỹ. Sau cuộc gặp của ông Gorbachev vào năm 1991 với Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, các tuyến đường tuần tra của BZRK đã bị áp dụng các hạn chế và được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở những nơi đóng quân cố định, không được phép di chuyển trên các tuyến đường sắt của Liên Xô. Tức là chúng hoàn toàn mất đi tính cơ động và tính bí mật.

Một vấn đề nữa nảy sinh đối với tên lửa RT-23 UTTK là có thời hạn sử dụng 15 năm. Và vào đầu tháng 5 năm 2005, Thượng tướng Nikolai Solovtsov, khi đó là Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược, đã thông báo rằng tổ hợp BZRK cuối cùng đã được rút khỏi nhiệm vụ trực chiến. Molodets đã được xử lý làm sắt vụn, chỉ để lại hai "đoàn tàu tên lửa" bị cắt ngắn làm hiện vật trong Bảo tàng Công nghệ Đường sắt tại nhà ga Baltic ở St. Petersburg và trong Bảo tàng Kỹ thuật của nhà máy sản xuất ô tô AvtoVAZ.

Đoàn tàu hạt nhân Nga khi nào trở lại? - 2

Đoàn tàu Molodets trở thành hiện vật trong Bảo tàng Công nghệ Đường sắt tại nhà ga Baltic ở St. Petersburg (Ảnh: TASS).

Sau này, BZRK Molodets được thay thế bằng một tổ hợp tương tự có tên là Barguzin, với các đặc điểm cải tiến và tên lửa mới. Và không phải trang tin Sina của Trung Quốc là bên tiết lộ bí mật mà trước đó Bộ Quốc phòng Nga cũng nói đến chuyện không loại trừ khả năng nối lại việc sử dụng các tổ hợp đường sắt quân sự ở Nga và đã bắt đầu công tác chuẩn bị từ tháng 9/2009.

Tháng 12/2011, Đại tướng Sergei Karakaev - Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga - đã thông báo kế hoạch trên, và vào tháng 4/2013, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đó là Yuri Borisov, đã tuyên bố tiếp tục công việc phát triển của Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow về việc chế tạo BZRK thế hệ mới. Vào tháng 5/2016, Nga đã công bố bắt đầu tạo ra các thành phần riêng lẻ của tổ hợp đường sắt, được gọi là Barguzin, và cuối năm đó, tại sân bay vũ trụ Plesetsk, đã diễn ra các cuộc thử nghiệm tên lửa BZRK thành công.

Tuy nhiên, lý do khiến niềm vui của những người lính tên lửa chiến lược Nga không kéo dài là do vào tháng 12/2017, có thông báo rằng việc phát triển tổ hợp đã bị đình lại vì lý do kinh tế. Vào ngày 22 tháng 3 năm 2018, hãng tin TASS trích dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết tổ hợp cơ động RS-26 Rubezh và BZRK Barguzin đã bị loại khỏi chương trình vũ khí của nhà nước cho đến năm 2027.

Lý do bị loại là do quân đội không có khả năng tài trợ cho các chương trình này. Đây là lệnh cấm tạm thời và nay mai các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vẫn sẽ tiếp tục được lăn bánh dọc theo các tuyến đường sắt của Nga. Trong việc phát triển tên lửa cho Barguzin hiện còn thiếu tên lửa ICBM RS-24 Yars (như đã được lên kế hoạch), và cũng chưa thể tiếp tục dự án này dưới dạng RS-26 Rubezh đầy hứa hẹn.

Yars hiện được sử dụng cho cả hệ thống tên lửa dưới hầm ngầm và cả hệ thống di động trên mặt đất. Tên lửa này, có trọng lượng không vượt quá 50 tấn, rất phù hợp với BZRK, được vận chuyển trên một toa chở hàng thông thường với sức chở 66-68 tấn, và trong mỗi đoàn tàu có thể bố trí 6 tên lửa.

Việc vận chuyển "đoàn tàu hỏa tiễn" này chỉ một đầu máy diesel sẽ là đủ, chứ không cần đến 3 đầu máy như đối với tổ hợp Molodets và cũng không cần phải gia cố đường ray nữa. Tất cả điều này có thể làm tăng đáng kể tính bí mật của đoàn tàu và giảm chi phí vận hành của nó.

 Trung Quốc cho rằng dự án BZRK Barguzin có thể được khởi động trở lại. "Lãnh thổ rộng lớn của Nga rất thích hợp cho việc chế tạo loại tàu tên lửa này, đây cũng là vấn đề khiến Mỹ đau đầu", trang tin Sina viết trong bài đánh giá quân sự, liệt kê những ưu điểm của tổ hợp này, bao gồm sức mạnh khổng lồ, khả năng tàng hình và ngụy trang cao, vượt xa tổ hợp Molodets trước đây.

Sina cũng lưu ý rằng mặc dù hệ thống này rất mạnh và có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, nhưng nó không thể trở thành cơ sở cho vũ khí tên lửa của Nga. Đúng hơn là, nó có thể trở thành thiết bị bổ sung cho các hệ thống tên lửa khác.

Điều đáng chú ý ở đây là ấn phẩm Trung Quốc không nhầm lẫn nhiều lắm với thời gian quay trở lại của dự án BZRK Barguzin là 3-5 năm. Nhiều khả năng nó sẽ xuất hiện trong quân đội Nga trước năm 2027 vì thực sự Nga rất cần một tổ hợp như vậy.

Phiên bản đường sắt triển khai tên lửa bí mật sẽ bổ sung cho khả năng của các hệ thống tên lửa mặt đất di động và ICBM đặt trong các hầm ngầm, vì sẽ rất khó khăn để truy tìm nó, có nghĩa là nó sẽ khó bị tiêu diệt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm