1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Số phận 200 người Việt tại Libăng

Đoàn ngoại giao Việt Nam đã đến Beirut

Vào lúc 21h45 giờ VN (tức 17h45 giờ Libăng), đoàn ngoại giao VN do ông Trần Việt Tú, tham tán đại sứ quán nước ta ở Ai Cập (kiêm nhiệm Libăng) dẫn đầu, đã đến thủ đô Beirut của Libăng chỉ đạo việc sơ tán số lao động VN khỏi Libăng, theo tin từ ông Bùi Văn Dũng, một trong những người phụ trách đón tiếp và chuẩn bị chỗ ở cho đoàn.

Đoàn đã đến muộn hơn lịch trình do điều kiện đi lại khó khăn.

 

Trước đó, đoàn đã tới thủ đô Damascus của Syria bằng đường không, sau đó sang thủ đô Beirut của Libăng bằng đường bộ. Theo kế hoạch, đoàn sẽ tập hợp và giải quyết mọi thủ tục liên quan tới lãnh sự của những người không có giấy tờ tùy thân (hộ chiếu do chủ giữ và chủ đã tản cư).

 

Sau khi phía VN hoàn tất thủ tục giấy tờ, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) sẽ thuê ôtô đưa họ sang nước láng giềng Syria để lánh nạn. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ theo dự kiến, nhóm lao động VN đầu tiên sẽ sang đến Syria trong vài ngày tới.

 

Về tình hình người VN tại Libăng, ông Hoàng Minh Trung, người đứng ra đảm nhận việc giữ liên lạc, cho biết mọi người đều an toàn.

 

Trong những ngày qua, ông Trung đã đón hai phụ nữ từ các khu vực nguy hiểm ở miền nam Libăng về thủ đô Beirut ở tạm tại nhà ông, đó là các chị Lê Thị Xoa và Lê Thị Lợi.

 

“Hiện nay tôi đang cố gắng liên lạc và thương lượng với gia đình chủ của ba chị còn lại ở khu vực nguy hiểm là Đỗ Thị Lan, Đinh Thị Phương và Hoàng Thị Tuyết để sớm đưa họ đến Beirut, nhưng hoàn cảnh của các chị này rất đặc biệt” - ông Trung cho biết.

 

Éo le nhất là chị Tuyết (báo Tuổi Trẻ ngày 26/7/2006 đã giới thiệu trong bài “Báo hai hồi chuông để biết tôi còn sống!”), toàn bộ giấy tờ và tiền lương của chị đang nằm trong tay chủ. Ông Trung đã bắt liên lạc được với chủ chị Tuyết, hiện đang ở Syria và sẽ cố gắng đàm phán để có thể lấy được ít nhất một nửa tiền lương cho chị. Tình cảnh của chị Đỗ Thị Lan cũng khó xử không kém. Chị Lan đã có hộ chiếu nhưng chủ nhà vẫn còn nợ tiền lương.

 

Riêng gia đình chủ của chị Đinh Thị Phương chỉ đặt ra một điều kiện duy nhất, đó là phía VN phải đảm bảo thanh toán mọi chi phí cho chị để đi từ Libăng về VN vì hiện giờ chị không có tiền trong người (tiền làm ra đã được chị gửi về gia đình ở VN). Nếu không đáp ứng điều kiện ấy, họ sẽ giữ chị ở lại.

 

Một số người VN tại Libăng lo ngại rằng IOM sẽ chỉ hỗ trợ họ di tản sang Syria, sau đó ai muốn về VN phải tự bỏ tiền mua vé máy bay. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ hôm qua, ông Houver Vincent, trưởng văn phòng IOM tại Beirut, khẳng định hoàn toàn không có chuyện IOM “đem con bỏ chợ”. “Các bạn có thể yên tâm. IOM sẵn sàng phối hợp với VN để thanh toán chi phí máy bay cho bất cứ người VN nào có yêu cầu về nước” - ông Vincent nói.

 

Điều này cũng đã được ông Lê Tiến Ba - đại sứ VN tại Ai Cập - xác nhận với Tuổi Trẻ. Trước đó, trả lời trên Thông tấn xã VN về khả năng sẽ có một số lao động nước ta không muốn đi lánh nạn, hoặc các chủ sử dụng lao động không muốn để họ đi sơ tán, ông Lê Tiến Ba nói rằng đoàn công tác nước ta sẽ làm hết sức mình theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tất cả số lao động VN tại Libăng đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ thỏa đáng của Nhà nước, bất kể khó khăn, tốn kém, sao cho tính mạng của họ phải được an toàn tối đa, mọi nguyện vọng cá nhân cũng sẽ được tôn trọng triệt để.

 

Australia đề nghị giúp sơ tán công dân các nước Đông Nam Á

 

Ngày 27/7, Australia đã đưa ra đề nghị giúp đỡ sơ tán công dân của các quốc gia Đông Nam Á khỏi Libăng. Tại Kuala Lumpur (Malaysia), Ngoại trưởng Alexander Downer cho biết Australiavừa sơ tán xong khoảng 4.500 công dân trong tổng số khoảng 25.000 công dân của nước này và 1.200 công dân nước ngoài khỏi Libăng và chiến dịch sơ tán này đã chính thức chấm dứt hôm 25/7. Tuy nhiên, Australia luôn sẵn sàng nối lại hoạt động này nhằm giúp sơ tán công dân các nước khác, đặc biệt là các nước thuộc ASEAN nếu được yêu cầu.

 

 

Theo Thanh Trúc

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm