Dọa và làm giá đỡ
Trong mớ bòng bong “Bình Nhưỡng thử tên lửa hay chưa?” kéo dài từ đầu tuần, cuộc thao diễn của Hạm đội thứ bảy hải quân Hoa Kỳ bắt đầu từ thứ ba vừa qua phần nào bị lu mờ trên báo giới.
Đây là một cuộc tập trận có qui mô lớn nhất từ sau chiến tranh Việt Nam với ba chiến đoàn, mỗi chiến đoàn gồm một tàu sân bay và chục tàu chiến tùy tùng, tổng cộng 280 máy bay chiến đấu, chưa kể các pháo đài bay B-52 và oanh tạc cơ “tàng hình” B-2 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Đây cũng là lần đầu tiên từ 10 năm qua hải quân Hoa Kỳ tập trung ba tàu sân bay trên Thái Bình Dương cùng một lúc - lần trước là sau khi Trung Quốc (TQ) thử nghiệm tên lửa trên eo biển Đài Loan. Có tương quan gì giữa cuộc tập trận này (đã được dự trù) với vụ “đe” thử tên lửa của Bình Nhưỡng? Vô hình trung những dọa dẫm phóng tên lửa của Bình Nhưỡng đã “đánh bóng” cuộc tập trận của hải quân Hoa Kỳ mang tên: “Cái khiên dũng mãnh”.
Thật ra, những cuộc diễn tập như thế chẳng có gì lạ, nhất là với các cường quốc có hạm đội viễn dương. Có đáng lưu ý chăng là việc TQ cử một đoàn quan sát viên cấp đề đốc hải quân tham gia cùng các phái đoàn hải quân Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Nhật, Singapore và Úc. Sự hiện diện của một đề đốc hải quân TQ rất có ý nghĩa sau những “la làng” vào tháng trước rằng TQ leo thang quốc phòng một cách đầy đe dọa...
Thật ra, trước đó TQ cũng đã từng cử phái đoàn sang tham quan các căn cứ Hoa Kỳ ở Hawaii và Alaska. Ngày nay, công khai, minh bạch hóa (tất nhiên là trên bề nổi) quốc phòng (tỉ như qua các “sách trắng”) là một tập quán mới trên trường quốc tế mang ý nghĩa gìn giữ hòa bình trên cơ sở “quí vị biết tôi, tôi biết quí vị, đừng kiếm chuyện nhau”.
Có thể tới đây, nội vụ sẽ êm ả hơn một chút, y hệt tình hình Iran. Cả hai hiểu rằng từ nay đến bầu cử giữa kỳ ở Hoa Kỳ, nếu có “nhũn” một chút, sẽ lợi vô kể. Cứ thu vén về đi đã để phục hồi sức lực, sau này cần căng, tính sau.