Đô đốc Mỹ đề nghị dỡ cấm vận vũ khí với Việt Nam
(Dân trí) - Trong bối cảnh, Biển Đông tiếp tục leo thang căng thẳng, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho rằng, Mỹ nên dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam, giúp Việt Nam nâng cao năng lực an ninh hàng hải và coi đây là cơ hội chiến lược.
Bình luận về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 23/2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, Trung Quốc “rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông” và “theo đuổi bá quyền ở Đông Á”.
Tại phiên điều trần, ông Harris cũng xác nhận lại thông tin mà Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) đưa ra trước đó rằng Trung Quốc đang lắp đặt các radar cao tần ở Trường Sa sau khi triển khai tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, vị đô đốc này nhấn mạnh, tình hình chung cũng cho thấy cơ hội chiến lược cho Mỹ tăng cường liên minh với các nước ở khu vực ngoại vi Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama những năm gần đây đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. Năm 2014, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Theo đó, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương trên biển và phương tiện tuần tra nhằm cho phép Việt Nam phát triển năng lực hàng hải.
Thượng nghị sỹ John McCain tại phiên điều trần cũng đã lên tiếng chỉ trích các động thái gần đây của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đang hành xử giống như "một kẻ bắt nạt" ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng đã đề cập đến vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam khi đặt câu hỏi cho Đô đốc Harris: “Ngài có nghĩ là chúng ta cần dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam không?”, ông McCain nói.
Trả lời câu hỏi này, Đô đốc Harris nói: “Vâng, thưa ngài Thượng nghị sỹ, tôi cho rằng chúng ta nên củng cố quan hệ với Việt Nam. Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược cho chúng ta, và tôi cũng cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với chúng ta với tư cách là đối tác an ninh”.
Vị Đô đốc này cũng đưa ra đề xuất, Hải quân Mỹ nên triển khai các tên lửa chống hạm mới do Lockheed Martin sản xuất đến các vùng biển châu Á để đối phó với Trung Quốc. Được biết, việc mua sắm các tên lửa này nằm trong kế hoạch ngân sách trị giá 8,1 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 do Lầu Năm Góc đề xuất nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân nước này.
Theo kế hoạch, hải quân Mỹ dự kiến mua 24 tên lửa chống hạm đầu tiên của Lockheed Martin vào năm tới và mua tổng cộng 464 tên lửa trong vòng 5 năm tới. Các tên lửa này được dự kiến trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-1B bắt đầu từ tháng 9/2018 và chiến đấu cơ 18E/F một năm sau đó, theo tài liệu của Lầu Năm Góc.
Minh Phương
Theo Washington Times,Bloomberg