1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đô đốc Mỹ đánh giá cao quan hệ với Việt Nam

(Dân trí) - Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, ông Harry B. Harris Jr, đề cao mối quan hệ với Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, và muốn tiếp tăng cường quan hệ quân sự các nước trong khu vực, bất chấp các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tân Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry B. Harris.
Tân Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Harry B. Harris.

Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 18/12 cho hay ông sẽ tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm nhằm tăng cường quan hệ với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, bất chấp các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Đô đốc Harry B. Harris Jr, người hiện chỉ huy các lực lượng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương và hồi tuần trước đã được phê chuẩn làm Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay Trung Quốc đã đẩy căng thẳng gia tăng tại Biển Đông trong những năm gần đây, khiến một số quốc gia trong khu vực phải coi Mỹ làm đồng minh an ninh.

“Tôi cho rằng các hành động của Trung Quốc đang khiến các quốc gia xem Mỹ như đối tác an ninh, chứ không phải Trung Quốc”, ông Harris nói trong cuộc phỏng với tờ Wall Street Journal.

Ông Harris nói thêm rằng các đường hướng của ông “sẽ không khác người tiền nhiệm - Đô đốc Samuel Locklear. Tôi ủng hộ hoàn toàn những gì ông ấy đã và đang làm và sẽ không có gì thay đổi”.

Đô đốc Harris, sinh tại Nhật Bản, người Mỹ gốc Á đầu tiên đứng đầu Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay sự ổn định tại khu vực tranh chấp là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Washington cũng đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ mạnh mẽ với các nước trong khu vực vốn không bị phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đô đốc Harris cho biết ông đã thực hiện 19 chuyến thăm tới các quốc gia Thái Bình Dương trong năm nay.

“Tôi không thể xem nhẹ giá trị các mối quan hệ sâu sắc và các nỗ lực xây dựng năng lực với các đối tác như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam”.

Căng thẳng đã gia tăng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai trái phép một giàn khoan dầu vào lãnh hải Việt Nam hồi tháng 5 năm nay. Các hành động của Bắc Kinh cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Washington.

Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, yêu cầu các máy bay phải cung cấp chi tiết kế hoạch bay khi đi ngang qua. Bắc Kinh cũng tiếp tục công tác cải tạo đất và xây dựng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Đô đốc Harris cho hay, động thái của Trung Quốc nhằm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không “không phải là hành động của một nước lớn”. Ông Harris ủng hộ Phillipines về đưa các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông ra phân xử tại tòa án quốc tế.

Tuy nhiên, ông Harris nhấn mạnh rằng Mỹ muốn xây dựng mối quan hệ quân sự hợp tác với Trung Quốc. “Không phải là sự Mỹ đối đầu với Trung Quốc. Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực cần hợp tác cùng nhau để cải thiện sự ổn định và thịnh vượng trong toàn bộ khu vực”, ông nói.

An Bình
Theo WSJ