1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Djibouti quốc hữu hóa cảng cho nước ngoài thuê để giao nhà thầu Trung Quốc

Với lý do hợp đồng giữa hai bên vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Djibouti, chính quyền nước này quyết định quốc hữu hóa cảng container Doraleh (DCT) do công ty DP World của chính phủ Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thuê và điều hành, khai thác.


Quân nhân Djibouti kiểm soát cảng DCT - Ảnh: Reuters

Quân nhân Djibouti kiểm soát cảng DCT - Ảnh: Reuters

Theo báo Washington Times, giới truyền thông địa phương đưa tin chính quyền Djibouti sẽ giao lại việc hợp đồng cho một nhà thầu Trung Quốc, trong khi Djibouti là quốc gia duy nhất trên thế giới cho nhiều nước gồm Mỹ và Trung Quốc thuê căn cứ hải quân.

Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ả Rập Saudi, Nhật Bản đều có căn cứ quân sự ở Djibouti, riêng căn cứ của Trung Quốc sát gần DCT.

UAE cáo buộc Djibouti trắng trợn vi phạm hợp đồng

Khi tuyên bố quốc hữu hóa DCT có hiệu lực lập tức hôm 22.2, Bộ Giao thông Djibouti giải thích đây là sự thực hiện một luật được thông qua ngày 8.11.2017, trở thành “khung pháp lý cho phép chính quyền tái đàm phán nếu cần thiết, về những hợp đồng đã đạt được về quản lý hoặc khai thác các cơ sở hạ tầng chiến lược. Trong trường hợp này, hợp đồng nhượng quyền khai thác DCT có những điều khoản vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi tốt nhất cho đất nước, nhất là chủ quyền và độc lập kinh tế”.

Cùng ngày 22.2, một tuyên bố của văn phòng Tổng thống Ismail Omar Guelleh cho biết việc chính quyền Djibouti đơn phương hủy hợp đồng nhượng quyền khai thác DCT là do DP World liên tục không chịu giải quyết bất đồng “trên tinh thần hữu nghị”.

Tuyên bố nêu DCT từ nay sẽ thuộc quyền của Công ty quản lý cảng container Doraleh (SGTD), một công ty mà chính quyền Djibouti “nắm toàn bộ cổ phần”.

DP World cáo buộc Djibouti chiếm đoạt trái phép DCT, và sẽ kiện đến Tòa án trọng tài quốc tế London (Anh) để bảo vệ quyền lợi và đòi bồi thường tổn thất.

Trong tuyên bố cuối ngày 22.2, DP World nói vụ cưỡng đoạt DCT là đỉnh điểm trong chiến dịch ép công ty phải tái đàm phán thời hạn hợp đồng nhượng quyền”. Theo DP World, DCT từ khi đi vào hoạt động từ năm 2009 đã có lợi nhuận. Nhưng chính phủ Djibouti “cư xử đặc biệt độc ác, đàn áp”, qui chụp công ty hối lộ Cục quản lý Cảng Djibouti để trúng hợp đồng và vi phạm hợp đồng khi ra hạn chót tái đàm phán hợp đồng trong ngày 21.2, và qua hôm sau thì có sắc lệnh chính phủ quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của DCT.

DP World đề nghị chính phủ Djibouti chấm dứt cư xử trái luật, tiếp tục làm đối tác theo tinh thần hợp tác đã có trong 18 năm qua.

Các nguồn tin của hãng tin Al Jazeera nói hồi giữa tháng 2 đã có một cuộc nói chuyện nóng nảy giữa các quan chức UAE và Djibouti. Ở đó, Quốc vương UAE Ahmed bin Sulayem là chủ tịch DP World đã nói UAE sẽ “trả cảng DCT cho Djibouti” theo những điều kiện mà cảng này đã có trước năm 2005. Sự đe dọa này đã buộc chính phủ Djbouti quyết tịch thu DCT.

Năm 2006, DP World đã thắng thầu thiết kế, xây dựng và khai thác DCT trong 30 năm (thông tin khác nêu thời hạn thuê là 50 năm). Kết quả là công ty đã tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho Djibouti. Công ty cũng có 33,33 % cổ phần ở DCT.

DP World được lập năm 2005, là một công ty điều hành cảng tầm cỡ quốc tế. Gần đây, ký nhiều thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD với Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ Ấn Độ, phản ánh trình độ chuyên môn điều hành cảng trên toàn thế giới.

Theo Al Jazeera, quyết định tịch thu DCT sẽ tác động đến nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Djibouti, vào lúc chính phủ quốc gia ở vùng Sừng châu Phi này muốn cải thiện khả năng tài chính, tạo thêm việc làm cho người dân khi nhằm trở thành một điểm đến thương mại cho miền Đông châu Phi.

DCT là một trong những cảng container đầu cuối sử dụng kỹ thuật hiện đại nhất châu Phi, chỉ cách Cảng quốc tế Djibouti 11 km về phía nam và kết nối với tuyến đường biển chính Đông-Tây châu Phi.

Dù là một quốc gia nhỏ xíu ở Đông châu Phi, Djibouti trở thành một “tay chơi” chiến lược quan trọng, do vị trí nước này ở Eo biển Bab al-Mandeb, một tuyến đường biển chủ đạo từ vùng Vịnh và châu Á đi châu Âu.

Các nguồn tin của hãng tin Al Jazeera nói quan hệ Djibouti-UAE xấu đi từ khi Djibouti không chịu cho UAE lập một căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình. Đối với UAE, vị trí của Djibouti rất lý tưởng, dọc Biển Đỏ và gần cảng Aden (Yemen) vốn là một trong những cảng quan trọng trong khu vực.

DCT cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt do Trung Quốc xây, đưa vào hoạt động từ năm 2016 nối Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. DCT cũng đặc biệt cần thiết cho Ethiopia láng giềng: hơn 95% hàng hóa nhập khẩu vào Ethiopia đi qua Djibouti.

Các nguồn tin của Al Jazeera còn nói quan hệ Djibouti-UAE càng nặng nề khi UAE đề nghị Ethiopia sử dụng một cơ sở ở vùng ly khai Somaliland với giá thuê hấp dẫn, nhằm cắt bỏ sự cạnh tranh của Djibouti.

Tháng 11.2017, DP World tuyên bố sẽ xây một khu kinh tế tự do ở Somaliland để đầu tư vào sự tăng trưởng mạnh của cảng Berbera hiện do công ty quản lý, sau khi ký hợp đồng thuê cảng này trong 30 năm hồi tháng 5.2016.

Theo Trung Trực

Một Thế Giới