Dilma Rousseff - “Bà đầm thép” của Brazil
(Dân trí) - Chỉ vài tháng trước đây Dilma Rousseff không phải là cái tên nổi tiếng, ngay cả ở trong nước Brazil. Bà là một công chức thầm lặng, chưa bao giờ đứng ra tranh cử. Nhưng giờ đây lại khác...
Trong một bước nhảy vọt, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đắc cử Tổng thống Brazil.
Nhưng nếu nhiều người Brazil và thế giới bên ngoài rộng lớn cho đến giờ vẫn biết rất ít về bà, thì với hành lang quyền lực ở Brazil, Dilma Rousseff lại là cái tên rất quen thuộc.
Cuối những năm 1980, bà trở thành bộ trưởng mỏ và năng lượng của bang Rio Grande do Sul. Bà đã làm nên tên tuổi của mình sau khi tăng lượng điện của bang lên gần 50% chỉ trong một thời gian ngắn.
Là người quyết đoán và có khả năng, Rousseff được xem là một công chức bẩm sinh và đã được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva chú ý tới ngay sau khi bà gia nhập đảng Lao động (PT) năm 2001.
Bà Rousseff, 62 tuổi, đã tham gia chính phủ của Tổng thống Lula Silva vào năm 2003 với vị trí là bộ trưởng năng lượng.
Năm 2005, sau một bê bối tham nhũng khiến nhiều nhân vật chủ chốt của chính phủ phải từ chức, bà Rousseff trở thành chánh văn phòng của Tổng thống Lula và nắm giữ vị trí đó cho tới tháng 4/2010, khi bà bắt đầu phát động chiến dịch tranh cử tổng thống với tư cách là ứng cử viên của Đảng lao động (PT).
“Bà đầm thép” của Brazil
Rousseff được xem là người khá thẳng thắn và nổi tiếng nóng tính, khiến nhiều người đặt biệt danh cho bà là “Bà đầm thép” của Brazil.
Dilma Rousseff sinh năm 1947 trong một gia đình trung thượng lưu ở Belo Horizonte. Cha bà, ông Pedro Rousseff, là một người nhập cư gốc Bulgaria.
Xuất thân có phần bình dân của bà thay đổi vào khoảng giữa những năm 1960, khi bà gần 20 tuổi, và khi Brazil rơi vào chế độ độc tài sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1964. Bà đã tham gia phong trào phản kháng vũ trang được biết đến là Colina (viết tắt của từ Bộ chỉ huy giải phóng dân tộc) và VAR-Palmares (Đội tiên phong vũ trang cách mạng), chống lại chế độ độc tài. Trong suốt thời gian phản kháng này, bà gặp người chồng sau này của mình Claudio Galeno và hai người kết hôn vào năm 1967. Nhưng do buộc phải làm việc ở các thành phố khác nhau, hai người đã lặng lẽ chia tay không lâu sau đó.
Tháng 11/1970, bà Rousseff bị bắt giam, phải ở tù khoảng 3 năm và đã bị tra tấn. Bà bị rối loạn tuyến giáp sau khi được trả tự do và mãi về sau mới bình phục.
Bà Rousseff có tái hôn sau đó, nhưng đã ly dị. Bà có một cô con gái. Hồi tháng 8 vừa qua, bà trở thành bà ngoại.
Tiếp nối chính phủ Lula
Tổng thống Lula đã đặt biệt danh cho bà là “mẹ của PAC”, ám chỉ đến dự án phát triển kinh tế của chính phủ, chịu trách nhiệm chi hàng tỷ đô la cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Brazil.
Bà Rousseff cũng đứng đầu ban lãnh đạo công ty dầu lửa Petrobras của Brazil và chịu trách nhiệm soạn thảo nhiều khung pháp lý cho việc khai thác các dàn khoan dầu ngoài khơi đất nước.
Sau khi là cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Lula trong suốt nhiều năm, bà Rousseff được đích thân ông Lula chọn là người kế nhiệm mình. Bà rời vị trí Chánh văn phòng tổng thống hồi tháng 4 năm nay để tập trung vào chiến dịch tranh cử, mà sự ủng hộ của ông Lula đóng vai trò rất quan trọng.
“Tôi tin rằng hầu hết người dân của chúng ta đều hi vọng rằng chính sách của chính phủ hiện tại được tiếp nối. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ Dilma có thể giành chiến thắng”, ông Lula cho biết khi tham gia một hoạt động tranh cử của bà Rousseff.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Lula cũng liên tục nhắc tới bà là “người mẹ của đất nước”. Trong khi đó, bản thân bà Rousseff cũng khẳng định rằng bà đại diện cho sự tiếp nối đối với chính phủ Lula, theo đó hàng triệu người Brazil sẽ thấy đời sống của họ được nâng cao.
Bà nổi tiếng với tư tưởng đẩy mạnh vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược, trong đó có ngân hàng, dầu khí và năng lượng. Bà cũng cam kết sẽ đối phó giải quyết hệ thống thuế má phức tạp của Brazil.
Để đạt được điều này và những cải cách khác, bà cần phải nhanh chóng có những kỹ năng chính trị cũng như đàm phán để quốc hội thông qua các chương trình chính trị của bà.
Theo các nhà phân tích, chiến thắng của bà Rousseff là chiến thắng của Tổng thống Lula, người đã tham gia tích cực vào chiến dịch tranh cử của cựu chánh văn phòng của mình.
“Chiến thắng là của ông Lula, người giành được hơn 80% sự ủng hộ sau gần 8 năm nắm quyền, điều mà không một tổng thống nào có được”, Joao Paulo Peixoto, một giáo sư quản lý công tại Đại học Brasilia, nhận định. Ông Lula nổi tiếng với sức thu hút lớn đối với quần chúng, với thành công trong các chương trình xã hội và sự phát triển của nền kinh tế Brazil.
Thách thức
Một trong những thách thức lớn nhất bà phải đối mặt là bà không phải là ông Lula, con người có sút hút quần chúng lớn lao và một chính trị gia tài giỏi.
Giờ đây, phần khó khăn nhất mới bắt đầu. Rousseff phải biến được những lời hứa tranh cử của mình thành hiện thực, tiếp tục các chương trình của ông Lula, vốn đã đưa kinh tế cũng như chính trị của Brazil tới một vị trí cao trên trường quốc tế. Bà cũng đã thừa nhận thách thức trong bài phát biểu chiến thắng của mình cuối ngày hôm qua, sau khi vượt qua được đối thủ Jose Serra với 56% số phiếu so với 44% số phiếu của đối thủ.
“Kế nhiệm ông (Lula) là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Nhưng tôi sẽ biết cách tôn trọng di sản của ông”, bà cho biết. “Tôi sẽ biết cách củng cố và phát triển những thành tựu của ông”.
Đây chính xác là những gì những người ủng hộ bà và hầu hết đảng Lao động cầm quyền mong muốn.
“Giờ chúng ta chắc chắn rằng đất nước sẽ đi đúng hướng”, một giáo viên 26 tuổi cho biết khi vẫy cờ tranh cử của bà Rousseff trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng trên một đại lộ chính ở Sao Paulo. “Dilma sẽ có khả năng tiếp tục làm việc vì người dân, tiếp tục cải thiện nhiều lĩnh vực mà Lula đã khởi xướng và không có đủ thời gian để hoàn thành”.
Bắt đầu vào ngày 1/1 tới, bà Rousseff sẽ dẫn dắt đất nước Brazil, đất nước đang trên đà phát triển và sẽ đăng cai tổ chức World Cup 2014. Rồi cho tới khi đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2016, Brazil được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 của toàn cầu.
Phan Anh
Tổng hợp