1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều khí tài quân sự tới Biển Đông, Pháp gửi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc

(Dân trí) - Cùng với Mỹ, Hải quân và Không quân Pháp cũng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông nhằm đối phó với những động thái của Trung Quốc và bảo đảm trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.

Tàu trinh sát Prairial là một trong số nhiều tàu quân sự của Pháp từng tới Biển Đông (Ảnh: Robert Ng)
Tàu trinh sát Prairial là một trong số nhiều tàu quân sự của Pháp từng tới Biển Đông (Ảnh: Robert Ng)

Kể từ ngày 27/7, Không quân Pháp đã triển khai 3 máy bay chiến đấu Rafale B, một máy bay vận tải quân sự A400M và một máy bay tiếp nhiên liệu C135 tới Vùng lãnh thổ Bắc Australia. Việc triển khai hàng loạt khí tài quân sự này là một phần của cuộc tập trận đa phương thường niên mang tên Pitch Black do Australia tổ chức. Đây là một trong những cuộc tập trận không quân lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương.

Sau tập trận Pitch Black, Pháp tiếp tục thực hiện Sứ mệnh Pegase vào tháng 8 khi triển khai một nhóm thuộc lực lượng không quân tới các quốc gia châu Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp mô tả sứ mệnh này là nhằm “làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước đối tác chính” của Pháp, đồng thời duy trì các điều kiện để không quân Pháp có thể được triển khai tới bất kỳ nơi nào trên thế giới và thể hiện sức mạnh của quân đội Pháp.

Các máy bay Không quân Pháp sẽ di chuyển qua phần rìa phía nam của Biển Đông và đây được xem là cơ hội để Pháp khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực theo Công ước Luật biển Quốc tế. Động thái này cũng cho thấy sức mạnh của không quân Pháp sau những đợt triển khai gần đây của lực lượng hải quân nước này tại Biển Đông.

Kể từ năm 2015, Pháp đã tiến hành cuộc diễn tập huấn luyện thường niên mang tên Jeanne d’Arc để đào tạo các sĩ quan hải quân tương lai. Tại các cuộc diễn tập này, tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral và tàu hộ vệ thường di chuyển qua khu vực Biển Đông vào mùa xuân.

Ngoài ra, Pháp cũng triển khai nhiều tàu tới Biển Đông trong những năm gần đây như tàu trinh sát Vendémiaire vào các năm 2014, 2015 và 2018, tàu trinh sát Prairial vào năm 2017 và hai tàu săn ngầm lớp FREMM Provence và Auvergne lần lượt vào các năm 2016 và 2018.

Thông điệp của Pháp

Tổng thống Pháp Macron (phải) ủng hộ quan điểm Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do. (Ảnh: EPA)
Tổng thống Pháp Macron (phải) ủng hộ quan điểm "Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do". (Ảnh: EPA)

Theo Tiến sĩ Mathieu Duchatel, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao và là phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, việc Pháp triển khai thường xuyên các khí tài quân sự tới Biển Đông là cách để nước này phát đi những tín hiệu nhất định.

Tín hiệu đầu tiên là gửi tới Trung Quốc và có thể tóm tắt trong một từ là “chống lại sự hăm dọa”.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh quân sự để tạo “sự đã rồi” trên Biển Đông, Pháp có lẽ muốn gửi tới Trung Quốc thông điệp rằng quân đội Pháp sẽ hoạt động tại bất kỳ khu vực nào luật quốc tế cho phép, và Bắc Kinh không được phép cản trở. Đây là lý do tàu săn ngầm lớp FREMM Auvergne của Pháp đã tiến hành đợt triển khai đầu tiên tại Biển Đông vào tháng 10 năm ngoái để kiểm tra thiết bị săn ngầm. Ngoài ra, việc triển khai các khí tài quân sự cũng nhằm giúp Pháp thu thập thông tin và hiểu rõ hơn về Biển Đông - vùng biển “nóng” với tuyên bố chủ quyền của nhiều bên.

Tín hiệu thứ hai là gửi tới cộng đồng quốc tế cũng như những ai quan ngại về lập trường của Pháp đối với trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

Tương tự Hải quân Mỹ, Hải quân Pháp luôn muốn duy trì và thực thi các điều khoản được quy định theo Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Khi Trung Quốc vẫn đang tìm cách đòi hỏi yêu sách của nước này về chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông, Pháp đã nhận ra một thực tế quan trọng rằng: tương lai của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại Biển Đông có thể bị đe dọa.

Tín hiệu thứ 3 Pháp muốn gửi đi là nhằm vào các đối tác chủ yếu của Pháp tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Liên minh châu Âu (EU). Việc thực thi Hiệp ước Anh - Pháp Lancaster House năm 2010 và xây dựng một lực lượng quân đội viễn chinh chung giữa hai nước được xem là nền tảng quan trọng trong mối quan hệ Anh - Pháp, đặc biệt trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU.

Pháp từng triển khai nhiều tàu và máy bay đi qua Biển Đông trong những năm gần đây (Ảnh: SCMP)
Pháp từng triển khai nhiều tàu và máy bay đi qua Biển Đông trong những năm gần đây (Ảnh: SCMP)

Việc Pháp hoan nghênh phi đội trực thăng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tới tham gia cuộc diễn tập Jeanne d’Arc cùng Pháp vào các năm 2017 và 2018 cho thấy trong tất cả các quốc gia châu Âu, Anh là nước có chung chí hướng với Pháp nhất trong việc đánh giá các xu thế an ninh ở Đông Á.

Mục tiêu của Pháp là thành lập một liên minh tại châu Âu để hỗ trợ cho chính sách an ninh và đối ngoại chung của cả khối, từ đó mở rộng phạm vi hoạt động ra phạm vi toàn cầu thay vì chỉ giới hạn ở khu vực xung quanh châu Âu. Việc các quan sát viên của châu Âu cũng có mặt trên các tàu Pháp trong cuộc diễn tập Jeanne d’Arc có thể nhằm phục vụ cho mục tiêu này.

Tín hiệu thứ tư của Pháp có liên quan tới chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron. Việc Pháp tăng cường hiện diện tại Biển Đông là cách để nước này chứng minh khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do” dưới thời chính quyền Macron, trong đó nhắm mục tiêu tới việc làm hạ nhiệt căng thẳng Mỹ - Trung và đưa Ấn Độ vào liên minh các nước sẵn sàng kiếm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Việc kiểm soát những nguy cơ gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc là điều Pháp cần tính đến. Trong khi Đức chọn cách đàm phán riêng và trao đổi thẳng thắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Pháp dường như đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tiến hành các hoạt động một cách công khai.

Việc Hải quân Pháp tăng cường hiện diện trên Biển Đông không phải là chuyện bất ngờ. Những cam kết lâu dài và nghiêm túc của Pháp đối với việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ là điều có thể dễ dàng nhận thấy và chính Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này.

Tuy nhiên lập trường của Pháp có lẽ sẽ chỉ tác động nhỏ tới mối quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc. Cả hai bên đều cố gắng kiểm soát các vấn đề một cách cẩn trọng, tránh để những bất đồng trong vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương.

Thành Đạt

Theo SCMP