1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Điều ít biết về thời đi học của các nhà lãnh đạo Nga

(Dân trí) - Các nhà lãnh đạo Nga qua mỗi thời kỳ đều có những mục đích và mối quan tâm riêng trong việc học tập khi họ còn là những học sinh trên ghế nhà trường.

Nicholas II, Hoàng đế Nga cuối cùng

Sa hoàng Nicholas II (Ảnh: RBTH)
Sa hoàng Nicholas II (Ảnh: RBTH)

Sa hoàng Nicholas Romanov sinh năm 1868 ở Tsarskoye Selo. Do là hoàng đế tương lai nên từ khi còn nhỏ, Nicholas Romanov đã được những học giả giỏi nhất dạy dỗ bài bản tại nhà. Ông theo học 8 năm và được học nhiều môn như lịch sử chính trị, văn học Nga, địa lý và tiếng châu Âu hiện đại.

Nicholas Romanov tự hào về vốn tiếng Anh và tiếng Pháp của mình. Ông cũng có khả năng nói tiếng Đức và Đan Mạch. Hoàng đế cuối cùng của Nga cũng thích đọc văn học lịch sử bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài.

Nicholas Romanov từng nói rằng nếu không phải là Sa hoàng, ông sẽ cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu lịch sử. Các giáo viên của Nocholas Romanov nhận xét ông là người chuẩn xác và sâu sắc trong các giờ học.

Vladimir Lenin, lãnh đạo Liên Xô

Vladimir Lenin (Ảnh: Sputnik)
Vladimir Lenin (Ảnh: Sputnik)

Vladimir Lenin sinh ra tại vùng Ulyanovsk vào năm 1870 và theo học một ngôi trường ở địa phương. Lenin không thích trường học. Ông từng nói việc đến trường ép mọi người phải học “nhiều thứ không cần thiết”, và “những kiến thức chết” bị nhồi nhét vào đầu. Thời kỳ đó, các học sinh phải học các ngôn ngữ cổ như Latin, Hy Lạp và học cả về tôn giáo.

Tuy vậy, Lenin vẫn là một học sinh nghiêm tục và tốt nghiệp bậc trung học với huy chương vàng - thành tích cao nhất dành cho học sinh Nga khi đó.

Joseph Stalin, lãnh đạo Liên Xô

Joseph Stalin (Ảnh: Wikipedia)
Joseph Stalin (Ảnh: Wikipedia)

Mẹ của Joseph Stalin muốn ông trở thành một linh mục Chính thống Giáo. Joseph Stalin đã theo học một ngôi trường do nhà thờ quản lý ở Gori tại Georgia vào năm 1888 khi ông 10 tuổi. 6 năm sau đó, ông theo học trường thần học Tiflis - nơi ông gặp những người ủng hộ chủ nghĩa Mác xít bị trục xuất tới Caucasus. Các giáo viên của Stalin nhớ rằng ông thường nhận điểm cao trong các môn toán, thần học và tiếng Hy Lạp.

Stalin thích những bài thơ của Georgia và Nga và từng tự sáng tác thơ. Stalin được cho là từng bị đuổi học vì không dự một kỳ thi. Tuy nhiên các nhà sử học cho rằng ông có thể bị đuổi vì khuynh hướng cách mạng của mình.

Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Xô đầu tiên

Mikhail Gorbachev (Ảnh: Sputnik)
Mikhail Gorbachev (Ảnh: Sputnik)

Những năm tháng học sinh của Mikhail Gorbachev, vị tổng thống đầu tiên của Liên Xô, diễn ra trong thời kỳ chiến tranh. Ông Gorbachev sinh năm 1931 tại vùng Stavropol trong một gia đình nông dân.

Từ năm 13 tuổi, ông Gorbachev vừa theo học tại trường ở địa phương, vừa làm việc tại hợp tác xã tại bộ phận lái máy cày. Ông tốt nghiệp trung học với huy chương bạc.

Boris Yeltsin, tổng thống Nga đầu tiên

Boris Yeltsin (Ảnh: Sputnik)
Boris Yeltsin (Ảnh: Sputnik)

Boris Yeltsin sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân ở vùng Sverdlovsk. Ông từng là lớp trưởng nhưng sau đó đã gặp một số vấn đề về cách cư xử. Ông thậm chí từng bị đuổi học và buộc phải chuyển sang một khu vực khác để tiếp tục theo học.

Theo trang mạng RBTH, khi còn là một thiếu niên, ông Yeltsin và các bạn từng tìm thấy một lựu đạn và tìm cách mở nó ra. Tuy nhiên quả lựu đạn này bất ngờ phát nổ và Yeltsin đã mất hai ngón tay trên bàn tay trái. Vì lý do này nên ông được cho là không đủ điều kiện để nhập ngũ.

Dmitry Medvedev, tổng thống - thủ tướng Nga

Dmitry Medvedev (Ảnh: Kremlin)
Dmitry Medvedev (Ảnh: Kremlin)

Ông Medvedev giành tuổi trẻ của mình ở Leningrad (nay là thành phố St. Petersburg) và theo học một ngôi trường bình thường. Các giáo viên của ông nhớ lại rằng Medvedev chủ yếu hứng thú với môn hóa và ông hiếm khi được nhìn thấy vui chơi với các bạn cùng lớp. Ông Medvedev gặp vợ ông, bà Svetlana, từ năm lớp 7.

Vladimir Putin, tổng thống - thủ tướng Nga

Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin)
Vladimir Putin (Ảnh: Kremlin)

Tổng thống Putin sinh ngày 7/10/1952 ở Leningrad, học một ngôi trường ở Leningrad và tốt nghiệp chuyên hóa. Nhớ lại thời đi học của mình, Putin nói ông là một học sinh chuyên gây phiền toái, chứ không phải một người gương mẫu. Ông thường đến lớp muộn và không hứng thú với việc học.

Tuy nhiên tới năm lớp 6, ông Putin bắt đầu học hành chăm chỉ hơn, tự thay đổi chính mình và quan tâm hơn tới việc học. Ông có hứng thú với các môn thể thao, đặc biệt là judo.

Ông Putin chụp ảnh kỷ niệm cùng cô giáo và các bạn thời đi học. (Ảnh: Global Look)
Ông Putin chụp ảnh kỷ niệm cùng cô giáo và các bạn thời đi học. (Ảnh: Global Look)

Sau khi nhận thức về việc học tập, Putin bắt đầu giành được nhiều điểm số cao hơn và đây không phải chuyện khó khăn với ông. Sau đó, Putin được kết nạp đội Thiếu niên Tiền phong và ngay lập tức trở thành chi đội trưởng đội Thiếu niên Tiền phong của lớp.

“Tôi nhận ra rằng thông minh trên đường phố là không đủ, vì thế tôi tập thể thao. Tuy nhiên tập thể thao cũng không đủ khẳng định vị thế của tôi về lâu dài. Tôi nhận ra rằng mình cần học hành giỏi giang”, ông Putin nhớ lại.

Ông Putin đấu vật với bạn cùng lớp ở St. Petersburg năm 1971 (Ảnh: Sputnik)
Ông Putin đấu vật với bạn cùng lớp ở St. Petersburg năm 1971 (Ảnh: Sputnik)

Bà Vera Gurevich, giáo viên chủ nhiệm cũ của Tổng thống Putin, cho biết mặc dù tốt nghiệp với số điểm cao và thực hiện được mơ ước vào đại học, nhưng từ cấp 1, nhà lãnh đạo tương lai của nước Nga tỏ ra là một cậu bé nghịch ngợm. Bà Gurevich nói rằng mặc dù là học trò hiếu động nhưng Putin luôn nỗ lực để không phụ sự kỳ vọng của cô chủ nhiệm

Từ trước khi tốt nghiệp phổ thông, ông Putin đã ấp ủ ước mơ làm việc trong ngành tình báo. Tới năm 1970, ông trở thành sinh viên khoa luật Đại học Quốc gia Leningrad và nhận bằng tốt nghiệp năm 1975. Tổng thống Putin nói rằng khi vào đại học, ông chủ yếu tập trung vào việc học và xếp thể thao ở vị trí thứ hai dù đây là đam mê lớn của ông.

Thành Đạt

Theo RBTH

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm