1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều ít biết về ngôi Mộ chiến sĩ Vô danh ở Matxcơva

Ngày 9/5/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt vòng hoa trước Mộ Chiến sĩ Vô danh ở bên tường Điện Kremlin. Đây là nghi lễ truyền thống nhân Ngày Chiến thắng phát xít Đức. Ít ai biết rằng ngôi mộ này đã được dựng lên như thế nào?

Mộ chiến sĩ vô danh bên chân tường thành Matxcơva
Mộ chiến sĩ vô danh bên chân tường thành Matxcơva

Ngày 8/5/1967, ngọn lửa vĩnh cửu đã được thắp sáng lên trên mộ Chiến sĩ vô danh bên cạnh thường thành Kremli Matxcơva để ngàn đời tưởng nhớ những người lính Hồng quân đã ngã xuống vì đất nước trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941 – 1945.

Mộ chiến sĩ vô danh là biểu tượng lòng biết ơn đối với những người lính đã hi sinh vì Tổ quốc. Ngôi mộ chiến sĩ vô danh đầu tiên trên thế giới được lập ở Paris vào ngày 11/11/1920, để tưởng nhớ những người lính Pháp tử trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ở nước Nga Xô viết, đài tưởng niệm các binh sĩ công nông đã ngã xuống trong Cách mạng tháng Hai, Cách mạng tháng Mười và Nội chiến sau Cách mạng (giữa Hồng quân và Bạch vệ) đã được lập ở vườn Marsov thuộc Petrograd (về sau là Leningrad và bây giờ là St Peterburg) vào ngày 7/11/1919 (ngọn lửa vĩnh cửu được thắp sáng nơi đây từ năm 1957).

Các công trình tưởng niệm những chiến sĩ vô danh trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã được tôn tạo tại hàng nghìn thành phố của Liên Xô trước đây, trong đó có hàng trăm mộ chiến sĩ vô danh cùng ngọn lửa vĩnh cửu. Tại thủ đô Matxcơva, Mộ chiến sĩ vô danh được lập trong khu vườn Alexander bên chân tường thành Kremlin. Năm 1966, vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày đánh tan đội quân Đức quốc xã bao vây Matxcơva năm 1941, hài cốt của một chiến sĩ Hồng quân (không rõ danh tính) hi sinh khi tham gia trận chiến đẫm máu này (trên xa lộ Leningrad, cách trung tâm Matxcơva 41 km), đã được đưa về chôn cất dưới chân tường thành Kremlin.

Ngày 3/12/1966 (về sau, ngày 3/12 hàng năm được gọi là Ngày Chiến sĩ vô danh), vào lúc 11 giờ 45 phút, chiếc quan tài đựng hài cốt của người chiến sĩ vô danh được trang trọng đưa từ chiến trường xưa trên xa lộ Leningrad vào nội thành Matxcơva trên chiếc xe kéo pháo. Trên đường phố Matxcơva, một đội quân danh dự trang nghiêm bồng súng bước đều chầm chậm hai bên cỗ quan tài cũng đang được xe kéo đi chầm chậm. Các cựu binh Chiến tranh Vệ quốc đi thành đoàn đằng sau cỗ quan tài người đồng đội vô danh, vừa đi vừa lau nước mắt. Khi cỗ xe đến gần tường thành Kremlin, đội quân nhạc trỗi lên khúc nhạc tang bi tráng nhưng hào hùng. Sau khi quan tài được hạ huyệt, một loạt đại bác vang rền để tiễn đưa người chiến sĩ vô danh. Toàn bộ mọi hoạt động trên toàn cõi Liên Xô đều dừng lại trong 3 phút để mọi người yên lặng cúi đầu mặc niệm.

Ngay bên trên nơi chôn cất người chiến sĩ vô danh, theo nghị định của Đoàn chủ tịch Xô viết tối cao, chính quyền Liên Xô đã lập một ngôi mộ bằng đá hoa, bên trên đắp nổi ngôi sao 5 cánh. Bên cạnh ngôi mộ, trên bờ thành cao chừng nửa mét có lá cờ Chiến thắng và một chiếc mũ sắt Hồng quân phiên bản 1941 (tất cả đều được làm bằng đồng). Hàng ngày luôn có hai quân nhân trẻ túc trực bên mộ, hai tiếng đồng hồ được thay phiên một lần.

Vào ngày 8/5/1967, tổ hợp kiến trúc Mộ chiến sĩ vô danh được chính thức khánh thành. Ngọn lửa vĩnh cửu được thắp lên từ tâm của ngôi sao trên mộ, rồi từ đó đến nay và mãi mãi về sau vẫn ngày đêm cháy sáng, mặc cho gió, mưa, bão, tuyết. Ngọn lửa này được truyền về Matxcơva từ Đài tưởng niệm Marsov ở Leningrad.

Trên mặt đá của ngôi mộ có khắc dòng chữ: “Anh là chiến sĩ vô danh, nhưng chiến công của anh là bất tử”.

Ở bức tường đá bên trái ngôi mộ có dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn những người đã hi sinh vì Tổ quốc”.

Phía bên phải ngôi mộ là một lối đi nhỏ, bên cạnh có 9 khối đá hoa màu đỏ thẫm, mỗi khối chứa một chiếc lọ đựng đất của các thành phố anh hùng thời Chiến tranh Vệ quốc (Leningrad, Kiev, Volgagrad, Odessa, Sevastopol, Minsk, Kerch, Novorossisk, Tula). Về sau có một khối đá nữa được bổ sung, chứa đất từ pháo đài anh hùng Brest.

Trên mỗi khối đá đều có khắc tên thành phố anh hùng và hình ảnh ngôi sao vàng (huân chương Anh hùng Liên Xô).

Năm 2004, theo nghị định của Tổng thống Putin, khối đá mang dòng chữ Volgagrad được đổi lại thành Stalingrad (tên của thành phố này trong thời Chiến tranh Vệ quốc).

Năm 2010, một bức tường thấp bằng đá hoa cương đỏ được dựng lên ở cuối lối đi có các khối đá đỏ đựng đất của các thành phố anh hùng. Phía trên của bức tường khắc dòng chữ “Những thành phố anh hùng” và bên dưới là tên của những thành phố ấy.

Tổng thống Putin đặt vòng hoa trước Mộ Chiến sĩ Vô danh
Tổng thống Putin đặt vòng hoa trước Mộ Chiến sĩ Vô danh

Năm 1975, tổ hợp điêu khắc đồng mô tả lá cờ và chiếc mũ sắt phiên bản năm 1941 được bổ sung cành nguyệt quế (biểu tượng của chiến thắng), cũng làm bằng đồng.

Năm 1997, theo nghị định của Tổng thống Nga Yeltsin, hai bên Mộ chiến sĩ vô danh ở Matxcơva người ta đã lập hai bốt gác bằng kính. Hai người lính từ trung đoàn Kremlin (hay còn gọi trung đoàn tổng thống) đứng trực trong bốt gác từ 8:00 đến 20:00 mỗi ngày, mỗi giờ được thay phiên một lần. Trong những trường hợp đặc biệt (vào các dịp lễ lớn chẳng hạn) việc trực mộ được thực hiện suốt ngày đêm, nhưng cũng được thay phiên mỗi giờ một lần.

Từ năm 2009, theo nghị định của Tổng thống Putin, Mộ chiến sĩ vô danh Matxcơva được đưa vào danh sách di sản văn hóa – lịch sử của nước Nga.

Cũng trong năm 2009, Chính phủ Nga quyết định quyết định trùng tu Mộ chiến sĩ vô danh (sửa chữa, nâng cấp một vài hạng mục). Ngọn lửa vĩnh cửu được tạm dời tới Đồi tưởng niệm trong Công viên Chiến thắng, đến ngày 23/2/1010 thì lại được đưa về chỗ cũ trên mộ.

Hàng năm, vào dịp lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức, rất nhiều đoàn ngoại giao đến Mộ chiến sĩ vô danh ở Matxcơva đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ trận vong của Liên Xô ngày trước.

Gần như trở thành một truyền thống văn hóa, từ nhiều thập niên trở lại đây, rất nhiều đôi vợ chồng trong ngày cưới đã đến trước Mộ chiến sĩ vô danh (không chỉ ở Matxcơva mà trong khắp nước Nga) thắp nến tỏ lòng biết ơn đối với những những người đã ngã xuống để họ có được hạnh phúc ngày hôm nay.

Tass, RIA

PetroTimes