1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều ít biết về hầm trú ẩn “Ngày tận thế” của lãnh đạo Trung Quốc

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho kịch bản “Ngày tận thế” khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc đã xây dựng hầm trú ẩn ở độ sâu hơn 2 km dành cho các lãnh đạo cấp cao của nước này.

Bên trong Trung tâm Chỉ huy Tác chiến chung của Trung Quốc (Ảnh: News.china.com)
Bên trong Trung tâm Chỉ huy Tác chiến chung của Trung Quốc (Ảnh: News.china.com)

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, một hầm trú ẩn hạt nhân dành cho các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cùng các thuộc cấp, binh sĩ và nhân viên của họ đã được xây dựng bên trong hang đá ở độ sâu hơn 2 km và nằm dưới những lớp đá dày hiếm có.

Hầm trú ẩn hạt nhân của Trung Quốc nằm dưới một công viên quốc gia, cách các trụ sở chính của chính quyền trung ương Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh khoảng 20 km về phía tây bắc. Công trình đặc biệt này được đặt giữa một mạng lưới hang động với sức chứa đủ cho một thành phố nhỏ và nguồn nước sạch ổn định cho khoảng 1 triệu người.

Hầm trú ẩn hạt nhân là một phần của Trung tâm Chỉ huy Tác chiến chung thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Công trình này lần đầu được hé lộ vào năm 2016 khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới đây.

Hiện chưa rõ Trung Quốc đã xây Trung tâm Chỉ huy Tác chiến hay hầm trú ẩn hạt nhân vào thời điểm nào. Tuy nhiên, theo thông tin từ truyền thông nhà nước, việc xây dựng bắt đầu từ hàng chục năm trước và các cơ sở này đã được nâng cấp đáng kể trong những năm gần đây.

Trung tâm Chỉ huy Tác chiến được xem là cơ quan “đầu não” của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vì tất cả các quyết định liên quan tới quân đội đều xuất phát từ đây. Hoạt động thường ngày của trung tâm này là phân tích thông tin tình báo quân đội, giám sát các hoạt động tại 5 “vùng tác chiến” của Trung Quốc và đưa ra mệnh lệnh cho các chiến dịch quân sự cả trong và ngoài nước.

Hầm trú ẩn đặc biệt

Chủ tịch Tập Cận Bình mặc quân phục tới thăm Trung tâm Tác chiến chỉ huy năm 2016 (Ảnh: News.china.com)
Chủ tịch Tập Cận Bình mặc quân phục tới thăm Trung tâm Tác chiến chỉ huy năm 2016 (Ảnh: News.china.com)

Lối vào chính của hầm trú ẩn hạt nhân Trung Quốc nằm tại Công viên Rừng Quốc gia Tây Sơn, do vậy trong trường hợp khẩn cấp như xảy ra một vụ tấn công hạt nhân, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ không phải di chuyển quá xa từ các cơ quan chính tại Trung Nam Hải gần Tử Cấm Thành để đến hầm trú ẩn. Khi tới nơi an toàn, chính quyền Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì hoạt động bên trong hầm như bình thường.

Các hầm trú ẩn hạt nhân của Trung Quốc được cho là xây dựng từ những năm 1950, song địa chỉ chính xác của các công trình này cho đến nay vẫn là điều bí mật.

So với những hầm trú ẩn hạt nhân quy mô lớn nổi tiếng như Tổ hợp Núi đá Raven của quân đội Mỹ ở Pennsylvania hay Bộ Chỉ huy Phòng vệ Vũ trụ Bắc Mỹ ở Núi Cheyenne tại Colorado, hầm trú ẩn hạt nhân của Trung Quốc ở Tây Sơn cũng có những ưu điểm “độc nhất vô nhị”.

Theo Qin Dajun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Địa chất và Địa Vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, các hầm trú ẩn Trung Quốc nằm sâu dưới lòng đất hơn 2 km ở Tây Sơn. Như vậy hầm trú ẩn này có độ sâu ngang hàng với Krubera - hang động sâu nhất thế giới hiện nay tại Georgia.

Bản đồ khu vực Trung tâm Chỉ huy Tác chiến chung của Trung Quốc (ngôi sao màu đỏ) (Ảnh: SCMP)
Bản đồ khu vực Trung tâm Chỉ huy Tác chiến chung của Trung Quốc (ngôi sao màu đỏ) (Ảnh: SCMP)

Hầm trú ẩn hạt nhân Trung Quốc nằm trong những hang đá vôi từng trải qua hàng triệu năm bào mòn của địa chất. Tại Tây Sơn, những hang đá này nằm dưới nhiều lớp đá khác nhau như đá granite, một trong những vật liệu tự nhiên cứng nhất thế giới, với độ dày trung bình khoảng 1.000 m. Các chuyên gia hạt nhân cho biết một hầm trú ẩn thường chỉ cần lớp đệm đá dày hơn 100 m là đủ chống chọi với một vụ nổ hạt nhân.

“Đây có lẽ là hầm ngầm sâu nhất thế giới theo tôi biết”, chuyên gia Qin nhận định.

Các hẩm trú ẩn “Ngày tận thế” được thiết kế bên dưới các ngọn núi với những lớp đá cứng có chịu được các vụ nổ lớn. Hầm được thiết kế để có thể vận hành độc lập trong thời gian dài mà không cần tiếp viện từ bên ngoài. Ngoài ra, hầm cũng có hệ thống thông hơi đặc biệt để lọc bỏ các chất độc phóng xạ phóng ra từ bom nguyên tử. Quy mô của hầm trú ẩn rộng lớn và phức tạp tương đương một thành phố nhỏ với hệ thống thông tin liên lạc phức tạp, các đường hầm đủ rộng để chứa máy bay cũng như xe tăng, cùng không gian để chứa được hơn 1.000 người.

Theo chuyên gia Qin, một trong những mục đích của dự án xây dựng hầm hạt nhân là phải nghiên cứu xem liệu trung tâm chỉ huy có đủ nguồn nước để dùng trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân hay không.

Mực nước ngầm của Bắc Kinh đã giảm hơn một mét mỗi năm kể từ thập niên 1990 do hệ thống giếng đào phát triển rầm rộ để đáp ứng nhu cầu dân số đông của thành phố này. Tuy nhiên, kết quả phân tích các mẫu hỗn hợp thu được từ các giếng nước tại Tây Sơn cho thấy gần 90% mạng lưới nước ngầm của khu vực này luôn được làm mới, tức là được bổ sung liên tục từ các hiện tượng tự nhiên như mưa, tuyết và sông hồ. Theo đó, nguồn nước dự trữ tại khu vực này đủ cung cấp nhu cầu nước cho hơn 1 triệu người.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lo ngại về việc các chất phóng xạ phát sinh sau vụ nổ hạt nhân sẽ ngấm vào nguồn nước tại Tây Sơn. Do vậy, Trung Quốc cũng tính đến phương án xử lý các chất phóng xạ này trước khi sử dụng. Sau khi loại bỏ chất phóng xạ, nước sạch được cho là có thể lưu trữ trong hầm ngầm trong vòng nhiều năm

“Trung Quốc đã phát triển các công nghệ và trang thiết bị tiên tiến để xử lý vấn đề này và hiện là nước đi đầu thế giới”, chuyên gia hạt nhân Liu Young tại Đại học Nam Trung Quốc ở Hồ Nam, người đứng đầu chương trình nghiên cứu xử lý chất thải phóng xạ do quân đội và ngành công nghiệp hạt nhân Trung Quốc bảo trợ, cho biết.

Thành Đạt

Theo SCMP