Điều gì xảy ra nếu Triều Tiên bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ?
(Dân trí) - Triều Tiên không phải không thể bắn rơi máy bay ném bom của Mỹ, song nếu thực sự làm điều này, họ sẽ phải “trả giá rất đắt”, giới chuyên gia cảnh báo.
“Một cái giá rất đắt”
Triều Tiên hồi đầu tuần này cáo buộc những phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “lời tuyên chiến” nhằm vào Bình Nhưỡng. Do đó, Triều Tiên tuyên bố có “quyền phòng vệ”, trong đó có quyền bắn rơi máy bay ném bom của Mỹ.
Tuyên bố này đã kéo theo những tranh luận liệu Triều Tiên có khả năng đó không và liệu điều gì sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng bắn rơi máy bay quân sự Mỹ.
Ông Omar Lamrani, một chuyên gia phân tích quân sự cấp cao tại Stratfor, nhận định với hãng tin Business Insider: “Hệ thống phòng không của Triều Tiên dày nhưng đã rất lỗi thời”.
Ông Lamrani cho biết Triều Tiên có một số biến thể của các máy bay chiến đấu đời cũ từ thời Liên Xô và một số hệ thống phòng không "sao chép", như tổ hợp tên lửa đất-đối-không KN-06 - bản sao của hệ thống S-300 Nga. Từ mặt đất, hệ thống phòng không Triều Tiên “không thực sự là mối đe dọa với máy bay tầm cao, đặc biệt khi nó bay trên biển, ông Lamrani nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chỉ ra, Triều Tiên có một lợi thế đó là: Tính bất ngờ.
Khi máy bay của đối phương tiếp cận không phận được bảo vệ, thông thường nước sở tại sẽ có biện pháp ngăn chặn. Các máy bay quân sự có thể sẽ được điều để áp sát máy bay đối phương và yêu cầu họ rời đi.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có các máy bay chiến đấu hiện đại có thể bắn hạ máy bay Triều Tiên trước khi kịp tiếp cận để tấn công. Tuy nhiên, Mỹ và Triều Tiên hiện phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều.
Lợi dụng điều này, máy bay Triều Tiên có thể tiếp cận máy bay chiến đấu của Mỹ rồi bất ngờ bắn ở tầm gần bằng một loại vũ khí thô sơ mà họ có.
“Triều Tiên sẽ có lợi thế của bên chủ động. Nhưng họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt, chẳng khác nào tự sát, nếu bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ”, ông Lamrani nhấn mạnh.
Vì lý do này, ông Lamrani cho rằng, kịch bản đó ít có khả năng xảy ra.
Nguy cơ xung đột ở bán đảo Triều Tiên cao hơn bao giờ hết
Ông James Stavridis (Ảnh: VOA)
Trong bối cảnh cuộc khẩu chiến Mỹ-Triều tiếp tục leo thang, cựu quan chức NATO, Đô đốc James Stavridis cho rằng nguy cơ xung đột giữa hai quốc gia này đang ở mức cao nhất kể từ chiến tranh liên Triều năm 1953.
"Tôi cho rằng có khoảng 10% nguy cơ xảy ra xung đột ở bán đảo Triều Tiên và có thể dùng đến vũ khí hạt nhân", ông Stavridis nhận định.
Cũng theo đánh giá của cựu quan chức này, nguy cơ xung đột phi hạt nhân thậm chí cao hơn, ở mức 20-30%.
Theo ông, nguy cơ này có thể xuất phát từ những tính toán sai lầm trong cuộc khẩu chiến hiện nay giữa giới chức Mỹ và Triều Tiên. Do đó, hai bên cần có những bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Minh Phương
Theo Newsweek, BI