1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điều gì sẽ xảy ra sau vụ kiện bầu cử chấn động của Texas?

Minh Phương

(Dân trí) - Đội ngũ pháp lý và những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump vẫn hy vọng rằng vụ Texas kiện sai phạm bầu cử ở 4 bang chiến trường có thể lật ngược kết quả bầu cử.

Điều gì sẽ xảy ra sau vụ kiện bầu cử chấn động của Texas? - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton (Ảnh: Getty)

Vụ kiện chưa từng có tiền lệ

Đầu tuần này, tổng chưởng lý bang Texas Ken Paxton đã bất ngờ đệ đơn lên Tòa án Tối cao đề nghị hủy kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường gồm Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Khác với các vụ kiện gian lận bầu cử mà đội ngũ của ông Trump theo đuổi, vụ kiện của Texas đưa thẳng lên Tòa án Tối cao và nhằm vào cáo buộc sai phạm bầu cử của giới chức ở 4 bang khác.

Đơn kiện cáo buộc giới chức của 4 bang trên sai phạm khi điều chỉnh luật bầu cử liên quan đến bỏ phiếu qua thư, một hành động mà phe Cộng hòa tin rằng tạo điều kiện cho gian lận bầu cử. Đơn kiện đòi hủy kết quả bầu cử ở 4 bang, cho phép cơ quan lập pháp ở 4 bang này (do đảng Cộng hòa kiểm soát) chỉ định đại cử tri, đồng nghĩa với việc ngăn các bang này bỏ phiếu trong đại cử tri đoàn.

Ngoài ra, đơn kiện cũng đề nghị lùi ngày bỏ phiếu đại cử tri ra sau ngày 14/12.
Bốn bang chiến trường trên nắm tổng cộng 62 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp kết quả tại các bang này bị hủy và bị đảo ngược, cục diện bầu cử sẽ thay đổi hoàn toàn, khi đó ứng viên Joe Biden sẽ không đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đắc cử, ngược lại ông Trump sẽ thừa phiếu để ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ.

Vụ kiện đã kéo theo những phản ứng trái chiều. Tổng thống Trump gọi đây là "một sự kiện lớn" và tuyên bố đội ngũ của ông sẽ tìm cách tham gia để hỗ trợ Texas và nhiều bang khác có ý định tương tự. Đến nay, ít nhất 17 bang đã lên tiếng ủng hộ vụ kiện của Texas.

Trong khi đó, phe Dân chủ kịch liệt chỉ trích hành động của Texas. Các chuyên gia luật cũng cho rằng vụ kiện khó có cơ hội thành công. "Đây là một vụ kiện chưa từng có tiền lệ, Tòa án Tối cao sẽ không có bất cứ hành động nào có thể làm thay đổi kết quả bầu cử, Hans von Spakovsky, cựu ủy viên Ủy ban bầu cử liên bang và hiện là chuyên gia luật cấp cao của Tổ chức Heritage, nhận định.

Ông Rick Hasen, một chuyên gia về luật bầu cử tại Đại học California, cũng cho rằng vụ kiện không có cơ sở pháp lý khi đưa ra Tòa án Tối cao. Anthony Robert Pahnke, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học San Francisco, nhận định: "Vụ kiện này dường như sẽ không đi đến đâu, không thể thay đổi kết quả bầu cử".

Chạy đua với thời gian

Điều gì sẽ xảy ra sau vụ kiện bầu cử chấn động của Texas? - 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ được dự đoán đắc cử Joe Biden (Ảnh: Getty)

Đơn kiện được đưa ra vào đúng hạn chót 8/12 cho việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến bầu cử ở cấp tiểu bang. Tòa án Tối cao liên bang Mỹ hiện chưa tuyên bố họ tiếp nhận hay không tiếp nhận vụ kiện, song cho 4 bang bị kiện thời hạn đến 15h ngày 10/12 theo giờ địa phương để phản hồi vụ kiện trước khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu vào ngày 14/12.

Sau khi đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12, các phiếu trực tiếp bầu tổng thống và phó tổng thống được kiểm đếm và đại cử tri sẽ ký vào 6 giấy chứng nhận bỏ phiếu. Các chứng nhận này cùng với một số giấy tờ khác sẽ được gửi bằng thư bảo đảm cho các quan chức khác nhau, trong đó có chủ tịch Thượng viện (hiện tại là Phó tổng thống Mike Pence). Muộn nhất là tới ngày 23/12, các giấy tờ này phải được chuyển đến tay người cần nhận.

Đến ngày 6/1, Hạ viện và Thượng viện sẽ họp phiên toàn thể để kiểm phiếu đại cử tri. Nếu ứng viên nào giành được tối thiểu 270 phiếu sẽ được xác nhận là tổng thống đắc cử. Trong trường hợp không ứng viên nào đủ 270 phiếu, Hạ viện sẽ tổ chức một cuộc bầu cử ngẫu nhiên. Mỗi bang có một phiếu bầu, ứng viên nào nhận được 26 phiếu sẽ thắng cử. Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 cũng là thời điểm nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm kết thúc.