1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt?

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Nếu cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt, việc này sẽ trở thành một "cơn địa chấn" không chỉ đối với chính trường Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt? - 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Ngày 18/3, trong một dòng trạng thái được đăng tải trên mạng xã hội Truth Social, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo các tài liệu bị rò rỉ từ văn phòng công tố quận Manhattan ở New York cho thấy ông có thể bị bắt giữ vào thứ 3, ngày 21/3. Tuy không nêu ra cáo buộc khiến ông bị bắt, cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi người ủng hộ biểu tình để phản đối cáo buộc của các công tố viên tại New York.

"Biểu tình, hãy giành lại đất nước của chúng ta", ông Trump viết.

Giới quan sát nhận định, việc bắt giữ cựu Tổng thống - nếu xảy ra - có thể gây ra những tác động rất lớn tới không chỉ hệ thống chính trị mà còn toàn bộ xã hội Mỹ.

Nguồn cơn của vụ việc

Theo Reuters, cáo buộc trả tiền để bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels là nguyên nhân dẫn đến cáo trạng có thể khiến ông Trump bị bắt.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt? - 2

Cựu diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trả lời phỏng vấn sau buổi làm việc với nhà chức trách tại New York (Ảnh: NYT).

Stormy Daniels, tên khai sinh là Stephanie Clifford, tuyên bố từng có quan hệ tình dục với ông Trump ở Nevada vào năm 2006, thời điểm ông Trump đã kết hôn với bà Melania.

Để bịt miệng Stormy nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào năm 2016, cựu Tổng thống Trump được cho là đã trả khoảng 130.000 USD để đổi lấy sự im lặng từ cựu sao khiêu dâm. Thông tin này đã bị Michael Cohen, người từng là luật sư riêng của ông Trump, khai với cơ quan chức năng trước khi ông này bị tuyên án 3 năm tù vì các tội danh khác nhau.

Sau khi vướng vòng lao lý, mối quan hệ giữa ông Cohen và thân chủ cũ Donald Trump đã đổ vỡ. Cựu luật sư đã nhiều lần đăng đàn khẳng định ông Trump chính là người ra lệnh cho ông trả tiền cho ít nhất 2 người phụ nữ nhằm tránh ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Ông Cohen cũng có ý trách cựu Tổng thống đã bỏ rơi mình, dù trước đó cả 2 từng là một cặp bài trùng trong thời gian Cohen giữ chức vụ phó chủ tịch Tập đoàn Trump.

"Tất nhiên Donald Trump biết việc ra lệnh trả tiền cho sao khiêu dâm Stormy Daniels và người mẫu Playboy Karen McDougal, hai phụ nữ tuyên bố có quan hệ tình ái với ông nhằm đổi lấy việc họ giữ im lặng trong đêm bầu cử, là sai trái", ông Cohen nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2018.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt? - 3

Cựu luật sư riêng Michael Cohen của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters).

Bên cạnh đó, ông Cohen cũng đã cung cấp cho cơ quan chức năng các bản sao của một số tấm séc chuyển tiền cho diễn viên người lớn Stormy Daniels. Những động thái của ông Cohen, dù đã bị ông Trump cùng đội ngũ pháp lý bác bỏ, được xem là đã trở thành một phần chứng cứ quan trọng trong cuộc điều tra của các công tố viên bang New York nhằm vào cựu Tổng thống Trump.

Theo Reuters, vào tuần trước, ông Alvin Bragg, công tố viên trưởng quận Manhattan, đã chính thức đệ trình lên tòa án một số bằng chứng về việc cựu Tổng thống Mỹ chi 130.000 USD để đổi lấy sự im lặng của Stormy Daniels. Cùng thời điểm, ông Trump đã nhận được lệnh triệu tập xuất hiện trước một đại bồi thẩm đoàn ở Manhattan để chứng thực những lời khai trước đây.

Việc phải xuất hiện với đại bồi thẩm đoàn cũng đồng nghĩa với việc một bản cáo trạng dường như đã gần kề với cựu Tổng thống Trump.

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt?

Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump bị bắt? - 4

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vòng vây của các mật vụ trong chuyến thăm bang Arizona vào năm 2017 (Ảnh: AP).

Hôm 18/3, Joe Tacopina, luật sư riêng của Tổng thống Trump, khẳng định rằng nếu lệnh bắt giữ được đưa ra, ông Trump sẽ không chống cự mà sẽ ra trình diện. Nếu hợp tác, các chuyên gia cho biết cựu Tổng thống Mỹ sẽ sớm được tại ngoại. Nếu từ chối chấp hành lệnh triệu tập, ông Trump sẽ bị các công tố viên bang New York áp lệnh dẫn giải khỏi nơi cư trú.

Theo hãng tin Reuters, trong các vụ việc liên quan tới các nhân vật tiếng tăm như vậy, luật sư của bị đơn thường có thỏa thuận về với bên công tố về địa điểm và thời gian cụ thể mà bị đơn sẽ trình diện nhà chức trách.

Giới quan sát nhận định, cuộc chiến pháp lý thật sự sẽ diễn ra nếu lệnh bắt cựu Tổng thống Trump được ban hành. Hiện cựu Tổng thống đang sống cùng gia đình tại dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida. Vì vậy, nếu trường hợp hy hữu này xảy ra, Thống đốc Ron DeSantis, đối thủ lớn nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa của ông Trump, sẽ là người ký quyết định cho phép các công tố viên New York thực hiện lệnh dẫn giải cựu Tổng thống.

Cựu trợ lý công tố viên quận Manhattan Karen Agnifilo tiết lộ, thời gian trung bình để chuyển từ giai đoạn truy tố sang xét xử đối với một vụ án hình sự tại New York là khoảng một năm. Tuy nhiên, nếu bị truy tố, trường hợp của ông Trump có thể kéo dài hơn với sự can thiệp từ đội ngũ pháp lý của cựu Tổng thống.

Các luật sư dày dạn kinh nghiệm của ông Trump chắc chắn sẽ tìm mọi cách để thu thập bằng chứng nhằm chứng minh sự trong sạch của thân chủ, qua đó khiến cáo trạng nhằm vào cựu Tổng thống bị bãi bỏ.

Nếu bị tạm giữ, ông Trump vẫn được xem là vô tội cho đến khi có phán quyết cuối cùng của tòa án. Tuy nhiên, một số lệnh hạn chế nhất định có thể sẽ được tòa án áp đặt đối với cựu Tổng thống trong khoảng thời gian này.

Nếu bị truy tố, đây sẽ là một bất lợi với ông Trump trong việc cạnh tranh suất đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào năm 2024. Theo các khảo sát mới nhất, ông Trump hiện vẫn đang có ưu thế hơn so với Thống đốc bang Florida Ron DeSantis. Tuy vậy, khoảng cách này sẽ bị san lấp nếu các cuộc vận động tranh cử của ông Trump không thể diễn ra theo đúng kế hoạch.

Nguy cơ bị truy tố tại New York cũng có thể dẫn tới việc nhà chức trách đẩy mạnh các cuộc điều tra tiếp theo nhằm vào ông Trump. Cựu Tổng thống Mỹ hiện đang đứng trước cáo buộc liên quan tới vụ bạo động tại Đồi Capitol hồi tháng 1/2021, nghi vấn can thiệp bầu cử tại bang Georgia hay một số lùm xùm về công việc kinh doanh riêng của gia đình. Những rắc rối pháp lý này có thể chấm dứt tương lai chính trị của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Những tiếng nói trái chiều

Các chuyên gia nhận định, nếu ông Trump bị bắt giữ thì điều đó có thể sẽ trở thành một cơn khủng hoảng mới với nước Mỹ.

Có lo ngại rằng những cuộc biểu tình lớn với quy mô giống với cuộc bạo động tại Đồi Capitol sẽ xảy ra bởi những người ủng hộ cực đoan của ông Trump. Một số nguồn tin cho rằng ngay sau lời kêu gọi biểu tình hôm 18/3 của ông Trump, Sở cảnh sát New York, Cơ quan Mật vụ Mỹ, lực lượng chống khủng bố của Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã lên các phương án bảo vệ an toàn trước đám đông quá khích.

Để trấn an dư luận, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã phải lên tiếng kêu gọi người ủng hộ ông Trump giữ bình tĩnh. "Tôi không nghĩ rằng mọi người nên biểu tình. Hãy giữ bình tĩnh", ông McCarthy nói.

Tuy nhiên, ông McCarthy cũng lên tiếng bảo vệ ông Trump khi cảnh báo bất kỳ bản cáo trạng nào đối với cựu Tổng thống Trump cũng sẽ thể hiện "sự lạm quyền thái quá" của văn phòng công tố quận Manhattan.

Nếu ông Trump bị bắt, điều này cũng sẽ có tác động lớn tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024, khi ông đang là một ứng viên có tầm ảnh hưởng lớn. Thậm chí, nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Elon Musk, còn cho rằng việc bị bắt giữ có thể làm tăng sự ủng hộ đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tới. Đồng quan điểm với tỷ phú Musk, một số chuyên gia cho rằng ông Trump có thể nhận được sự đồng cảm từ công chúng dưới hình tượng "nạn nhân của một âm mưu tấn công chính trị".

"Cuộc điều tra này đã mang lại nhiều sự đồng cảm cho cựu Tổng thống. Tôi đã uống café với một số người bạn vào sáng nay, không một ai trong số họ là người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump. Tuy nhiên, tất cả những người bạn của tôi đều nói rằng họ cảm thấy ông Trump đang bị tấn công chính trị", Thống đốc bang New Hampshire Chris Sununu, một thành viên của đảng Cộng hòa, cho biết.

Đáp lại sự ủng hộ dành cho ông Trump, các thành viên của đảng Dân chủ lại lên tiếng chỉ trích cựu Tổng thống vì đã kích động bạo lực trong tuyên bố hôm 18/3.

"Dù đại bồi thẩm đoàn có quyết định như thế nào, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã lựa chọn rõ ràng: Không ai đứng trên pháp luật, kể cả cựu Tổng thống Mỹ. Tuyên bố của ông Trump vào sáng nay là khinh suất. Ông ấy làm như vậy chỉ để làm cho tên tuổi của mình nổi hơn và gây ra sự phẫn nộ trong những người ủng hộ", cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nhấn mạnh hôm 19/3.

Đồng quan điểm với bà Pelosi, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ted Lieu cáo buộc cựu Tổng thống Trump "không tôn trọng pháp luật" với phát ngôn hôm 18/3.

"Ông ấy có biết những cáo buộc là gì không? Ông ấy đã nhìn thấy bằng chứng từ đại bồi thẩm đoàn chưa? Câu trả lời là: Không. Ông đang thể hiện mình là một chính trị gia hèn nhất và không tôn trọng pháp luật. Tại Mỹ, không có cá nhân nào đứng cao hơn luật pháp", ông Lieu tuyên bố.

Theo Reuters, những động thái chỉ trích và ủng hộ đan xen nhằm vào cựu Tổng thống cho thấy việc bắt giữ ông Trump có thể để lại nhiều hệ lụy với không chỉ chính trường mà còn cả xã hội Mỹ. Những tác động của nó nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng hơn mâu thuẫn đảng phái, một trong những vấn đề lớn nhất mà Mỹ đang phải đối mặt. Ngoài ra, nguy cơ bất ổn cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024.

Theo Reuters, Guardian, CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm