1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điều gì ông Trump bỏ lỡ trong bài phát biểu đầu tiên ở Liên Hợp Quốc?

(Dân trí) - Trong bài phát biểu đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump dành nhiều thời gian để nói về Triều Tiên và nhiều quốc gia khác, nhưng gần như không trực tiếp đề cập đến Nga hay Trung Quốc, tạp chí Fortune nhận định.

Tổng thống Trump dọa phá hủy hoàn toàn Triều Tiên


Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/9 đã có bài phát biểu đầu tiên tại Liên Hợp Quốc. Bài phát biểu kéo dài hơn 40 phút với sự chứng kiến của các phái đoàn ngoại giao đến từ hơn 120 quốc gia.

Trong bài phát biểu, người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bằng biệt danh “Gã tên lửa” và dọa sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên nếu không còn lựa chọn nào khác.

Trong khi dành nhiều thời gian để cảnh báo Triều Tiên, chỉ trích Iran, Cuba, Venezuela, hay nhắc đến các điểm nóng như Biển Đông, ông Trump không đề cập trực tiếp đến Nga hay Trung Quốc, hai quốc gia có những chính sách đối đầu với Mỹ.

Ông chỉ bóng gió đề cập đến Nga và Trung Quốc khi nói về các nước làm ăn với Triều Tiên. "Thật phẫn nộ vì một số quốc gia không chỉ giao thương với chế độ như vậy mà còn cung cấp vũ khí, nhu yếu phẩm và hỗ trợ tài chính cho một quốc gia đang đẩy thế giới vào một cuộc xung đột hạt nhân", Tổng thống Trump nói.

Fortune cho rằng, một lần bóng gió khác là khi Tổng thống Trump nói: “Chúng ta phải lên án các mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia từ Ukraine đến Biển Đông”.

Lần duy nhất ông Trump trực tiếp nhắc đến Nga và Trung Quốc là khi ông biểu dương hai quốc gia này đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc với Triều tiên.

“Đến lúc Triều Tiên phải nhận thức rằng phi hạt nhân hóa là tương lai có thể chấp nhận duy nhất của họ. Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mới đây đã thông qua nghị quyết cứng rắn với Triều Tiên với toàn bộ 15 phiếu thuận. Tôi muốn cảm ơn Nga và Trung Quốc đã tham gia bỏ phiếu cùng với các thành viên khác của Hội đồng bảo an. Xin cảm ơn tất cả”, ông Trump nói.

Fortune nhận định, động thái của ông Trump có thể coi là một tín hiệu trong chính sách ngoại giao của Mỹ rằng: Nga và Trung Quốc có thể đối đầu, nhưng Mỹ sẽ cần đến sự hỗ trợ của họ nếu cuộc khủng hoảng Triều Tiên tiếp tục leo thang.

Minh Phương

Theo Fortune