1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Diễn văn nổi tiếng nước Mỹ được trích dẫn khắp thế giới

Tùng Anh

(Dân trí) - Diễn văn chưa tới 300 từ mà Tổng thống Lincoln chỉ mất hơn 2 phút để đọc tại Gettysburg đã vượt biên giới Mỹ để trở thành một trong những bài diễn văn bằng tiếng Anh hay nhất trong lịch sử nhân loại.

Diễn văn nổi tiếng nước Mỹ được trích dẫn khắp thế giới - 1

Tranh phác họa Tổng thống Lincoln với bài diễn văn trên tay. Tranh trưng bày tại Bảo tàng và Thư viện Abraham Lincoln ở Springfield, bang Illinois (Ảnh: History).

Đó là tháng 11/1863, gần bốn tháng sau khi kết thúc trận đánh đẫm máu nhất từng xảy ra trên đất Mỹ. Bước ngoặt quyết định của cuộc nội chiến đã diễn ra ở trong và xung quanh thị trấn Gettysburg, bang Pennsylvania khi 100.000 quân Liên bang miền Bắc đánh bại 75.000 quân Liên minh miền Nam. Khoảng 10.000 người chết và 50.000 người bị thương sau ba ngày giao tranh. Với một quốc gia chỉ có hơn 31 triệu dân như Mỹ lúc bấy giờ, đây là những tổn thất rất lớn và đã khiến mọi người choáng váng.

Người ta quyết định xây một nghĩa trang chung cho các binh sĩ đã tử trận cả 2 phía, những ngôi mộ chôn lấp vội vàng được di dời và xây kiên cố. Công việc này mới chỉ thực hiện được khoảng một nửa khi buổi lễ khánh thành diễn ra.

Sau trận Gettysburg, nội chiến Mỹ vẫn tiếp diễn nhưng chậm hơn, và dấu hiệu của sự mệt mỏi có thể thấy ở bất cứ ai. Tổng thống đương nhiệm Abraham Lincoln nhận ra cần phải công bố một thông điệp về nguyên nhân và mục tiêu chính nghĩa của cuộc chiến.

Abraham Lincoln (1809-1865) xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, trải qua thờ thơ ấu và thiếu niên khó khăn khi mẹ cùng chị gái mất sớm. Ông tự học để trở thành luật sư, vất vả để cùng vợ nuôi bốn người con (chỉ một người con còn sống đến tuổi trưởng thành). Trong 25 năm, Lincoln tiến dần từ dân biểu Tiểu bang lên nghị sĩ liên bang và cuối cùng là tổng thống thứ 16 của Mỹ năm 1860. Năng lực của ông xuất sắc đến nỗi không cần đọc diễn văn tranh cử, nhưng vẫn vượt ứng viên thứ hai đến nửa triệu phiếu bầu.

Phần phụ trong kịch bản

Thời điểm đó, các tổng thống Mỹ không thường xuyên phát biểu trước quần chúng. Khi nghĩa trang Quốc gia được khánh thành, Tổng thống Abraham Lincoln là người phát biểu sau cùng. Diễn giả chính hôm đó là Edward Everett, một thượng nghĩ sĩ tài năng, từng giữ chức ngoại trưởng Mỹ và có học hàm giáo sư.

Bài phát biểu của Everett dài 13.607 từ, và mất gần hai tiếng để đọc hết và được đám đông 15.000 người tham dự đón nhận nồng nhiệt. Vai trò dự kiến của Tổng thống Lincoln là tạo một cái kết phù hợp và trang trọng cho buổi lễ.

Các ghi chép mô tả Lincoln hôm đó mặc đồ đen truyền thống với mũ ống và găng tay trắng. Khi ông đứng lên, mọi người đều tỏ vẻ chăm chú lắng nghe. Bài diễn văn ngắn gọn dường như được đón nhận vì các nhân chứng tường thuật lại về tiếng vỗ tay ở một số nơi. Một thời gian ngắn sau, diễn văn Gettysburg trở nên nổi tiếng khi được công bố toàn văn trên báo chí. Chính Everett đã viết thư cho Lincoln ngay sau đó: "Tôi ước gì mình có thể tự tâng bốc bản thân rằng đã chạm đến cốt lõi vấn đề trong 2 giờ, như Ngài đã làm được trong 2 phút".

"Một chính quyền của dân, do dân, vì dân"

Lincoln chỉ mất hơn 2 phút để đọc hết bài diễn văn này, nhưng những giá trị mà ông truyền tải đã trường tồn qua thời gian đến tận ngày nay.

"Tám mươi bảy năm trước, cha ông ta đã dựng nước trên mảnh đất này, bắt nguồn từ khao khát tự do, và dốc lòng trong niềm tin rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng", lời mở đầu của Lincoln không đề cập đến Hiến pháp 1787, mà là Tuyên ngôn Độc lập năm 1776. Điều này đặc biệt quan trọng vì trong khi Hiến pháp không bãi bỏ chế độ nô lệ thì bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định "mọi con người sinh ra đều bình đẳng".

Theo quan điểm của Lincoln, Hiến pháp là một văn bản chưa hoàn hảo và phải liên tục được hoàn thiện. Và ở phiên bản đầu, nó đã thiết lập tính hợp pháp của việc nô dịch người Mỹ gốc Phi. Bằng cách viện dẫn Tuyên ngôn Độc lập, Lincoln đã đưa ra lập luận chặt chẽ về sự bình đẳng và mục đích của cuộc chiến: "một nền tự do mới".

Dù cực kỳ ngắn gọn, diễn văn Gettysburg đã tóm tắt lịch sử nước Mỹ từ thời khai quốc cho đến thời điểm đó, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến để tạo động lực cho Liên bang miền Bắc tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành thắng lợi cuối cùng:

"Hôm nay, chúng ta đang đánh một trận chiến vĩ đại, thử thách sức chịu đựng bền bỉ của quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào khác, được tạo ra từ ước muốn tự do và hết lòng vì bình Đẳng cho mọi người. Chúng ta đã đối mặt trên bãi chiến trường này. Chúng ta giờ đây vinh dự dành riêng một phần chiến trường làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho những con dân đã hy sinh để tổ quốc được sinh tồn. Đó là điều hợp lẽ và đáng cần phải làm".

"Cái chính là chúng ta, những người còn đang sống, cần phải cố gắng kế tục sự nghiệp còn đang dang dở, mà những người đã chiến đấu ở đây đã vinh dự đi hết nửa chặng đường".

Đặc biệt khái niệm "chính quyền của dân, do dân, vì dân" đã được trích dẫn khắp thế giới suốt một thế kỷ rưỡi qua. Dù từ ngữ "chính quyền của dân, vì dân" đã được nhắc đến trong thông điệp Tổng thống Lincoln gửi Quốc hội Mỹ tháng 7/1861, tính cấp tiến vượt thời gian của bài diễn văn là ở cách định nghĩa "dân" của ông.

Trước thời Lincoln, nhiều chủ nô da trắng tuyên bố mình mới là dân Mỹ chân chính, còn Hiến pháp không hề cấm chế độ nô lệ. Abraham Lincoln cho rằng "dân" được hiểu theo nghĩa Tuyên ngôn Độc lập, tức toàn bộ mọi người mà không có bất cứ sự phân biệt chủng tộc nào. Theo một cách diễn giải có vẻ cấp tiến vào thời điểm đó - nhưng ngày nay được coi là đương nhiên - bài diễn văn lịch sử của Lincoln đã xác định lại Nội chiến Mỹ là một cuộc đấu tranh không chỉ cho Liên bang miền Bắc mà còn cho nguyên tắc bình đẳng của con người.