1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Điện Kremlin phản hồi đề xuất về thỏa thuận lãnh thổ Nga - Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin cho biết không có "cơ sở thực tế" nào đối với kế hoạch được cho là đổi lãnh thổ lấy an ninh của Ukraine.

Điện Kremlin phản hồi đề xuất về thỏa thuận lãnh thổ Nga - Ukraine - 1

Xe tăng Ukraine ở tỉnh Kursk của Nga (Ảnh: Kyiv Post).

Báo Financial Times tuần trước đưa tin, một số quan chức Ukraine và phương Tây tin rằng Kiev nên ngừng nỗ lực giành lại bằng vũ lực các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát kể từ năm 2014.

Theo báo Anh, đề xuất này giả định rằng "những đảm bảo an ninh có ý nghĩa có thể tạo thành cơ sở cho một giải pháp đàm phán, trong đó Nga vẫn giữ quyền kiểm soát trên thực tế, nhưng không phải trên pháp lý, đối với toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ Ukraine".

Hướng tiếp cận này ngụ ý "sự chấp nhận ngầm rằng những vùng lãnh thổ đó sẽ được giành lại thông qua các biện pháp ngoại giao trong tương lai", theo Financial Times.

Bài báo cho biết một thỏa thuận ngừng bắn sẽ cho phép các lực lượng Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh thực sự.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/10 tuyên bố, "hiện có rất nhiều đề xuất về vấn đề này, rất nhiều học thuyết khác nhau, nhưng không có cơ sở thực tế nào đằng sau bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề này.

Bình luận về thông tin trên báo Anh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông muốn đảm bảo "hòa bình và an ninh đáng tin cậy" cho Ukraine "mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền hoặc trao đổi lãnh thổ".

Tổng thống Zelensky nói thêm rằng chính quyền Ukraine sẽ tiếp tục thúc đẩy "kế hoạch chiến thắng" ở phương Tây. Mặc dù không được công khai, một số cơ quan truyền thông đã đưa tin rằng lộ trình của Tổng thống Zelensky là kêu gọi các đảm bảo an ninh giống như NATO cho Ukraine cũng như việc Ukraine tiếp tục xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga và chuyển giao các loại vũ khí tiên tiến do phương Tây sản xuất.

Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo Ukraine đã nhận được phản ứng hờ hững khi ông trình bày tầm nhìn của mình với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức cấp cao khác tại Washington vào tháng trước.

Điện Kremlin phản hồi đề xuất về thỏa thuận lãnh thổ Nga - Ukraine - 2

Vị trí một số khu vực ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập (Ảnh: Sky).

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình ngay khi Ukraine rút quân khỏi Donetsk và Lugansk cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia. Đây là những khu vực Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Trước đó, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.

Vào tháng 8, ông Putin tuyên bố loại trừ bất kỳ khả năng đàm phán nào với Kiev nếu lực lượng Ukraine vẫn kiểm soát một số khu vực của tỉnh Kursk của Nga.

Trong tuyên bố hôm 1/10, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nhấn mạnh sự cần thiết của việc đòi hỏi trách nhiệm đầy đủ của Nga và "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, bao gồm cả Crimea", thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp về lãnh thổ.

Ngoại trưởng Sybiha cũng nhắc lại "công thức hòa bình" của Ukraine, gọi đây là con đường duy nhất để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine và lục địa châu Âu.

Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tổ chức dựa trên công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Zelensky, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.

Chính quyền của Tổng thống Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Theo Tổng thống Zelensky, tính đến cuối tháng 8, Nga đã kiểm soát khoảng 27% lãnh thổ Ukraine.

Theo RT