1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm yếu không thể chấp nhận của quân đội Assad

Càng đánh càng mạnh là nguyên tắc bất di bất dịch của sách lược tổ chức xây dựng lực lượng để giành thắng lợi trong chiến tranh.

Một quân đội, lực lượng, dù mạnh đến đâu, trong chiến tranh thì cũng có lúc bị bại trong một trận chiến đấu. Đó là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, “cách thua” trong một trận chiến đấu như thế nào lại rất quan trọng, nó thể hiện tính kỷ luật và bản lĩnh của một đội quân.

Cũng là bại trận, bị tổn thất, mất vị trí chiến đấu… nhưng hành động chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quyết không để vũ khí lọt vào tay giặc với bỏ chạy, để toàn bộ vũ khí, khí tài quân sự “nguyên đai nguyên kiện” lọt vào tay giặc là hoàn toàn khác nhau về tính chất và hậu quả.

Quân đội của Tổng thống Assad thường hay mắc phải “cách thua” tệ hại này trong chiến đấu, bỏ chạy để lọt toàn bộ vũ khí trang bị vào tay giặc, do vậy, đem lại hậu quả tiếp theo cực kỳ nghiêm trọng. Đây là một “cách thua” không thể chấp nhận.

Quân đội Syria trong chiến tranh trước đây đã từng để nguyên cả một hệ thống tên lửa phòng không SA-75 do Liên Xô viện trợ lọt vào tay đồng minh của Mỹ, khiến Việt Nam phải tốn rất nhiều xương máu để phát hiện ra trong chiến tranh chống Mỹ và cùng với các chuyên gia Liên Xô khắc phục hơn 9 tháng trời mới loại bỏ sự “bắt bài” của Mỹ. Điều này đã nói lên sự tai hại không chỉ một mình đơn vị đó gánh chịu mà trước hết là đơn vị bạn và rộng hơn là đồng minh của họ.

Hiện nay, trong cuộc chiến 4 năm qua không ít lần một số đơn vị trong quân đội Assad tháo chạy đã để vũ khí trang bị hiện đại lọt vào tay quân khủng bố khiến chúng càng đánh thì càng mạnh.

Điểm yếu không thể chấp nhận của quân đội Assad - 1

Quân khủng bố sử dụng chiến lợi phẩm "ngay và luôn" nhằm vào quân Assad

Ảnh trên là một khẩu pháo D30 122mm kể cả đạn dược liều phóng, nói chung là “nguyên đai nguyên kiện” mà quân chính phủ vứt lại khi tháo chạy và đã được lực lượng khủng bố sử dụng “ngay và luôn” dội trực tiếp vào đầu quân chính phủ.

Đến đây, chúng ta đã hiểu phần nào tại sao quân khủng bố có đủ vũ khí hạng nặng từ đâu ra, máy bay, xe tăng từ đâu ra…và tiếc thay chúng đều từ quân đội chính phủ “cung cấp” phần lớn.

Tháo chạy là hành động biểu hiện một “cách thua” bạc nhược, mất tinh thần, mất ý chí chiến đấu. Tháo chạy là thể hiện một đơn vị hay một đội quân có tổ chức kém về kỷ luật chiến trường và không có bản lĩnh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như quân đội chính phủ Syria trong một số trận chiến đấu nào đó để lọt vũ khí hiện đại của Nga cung cấp, trang bị, vào tay quân khủng bố, thậm chí ngay cả hệ thống tên lửa S-300? Rõ ràng là vô cùng nguy hiểm cho ngay chính mình mà cả đồng minh là Nga. Người Nga có dám trao hệ thống vũ khí tối tân, hiện đại của họ cho một đơn vị nào đó của quân đội chính phủ khi tình trạng tháo chạy là “cách thua” nếu như thường xảy ra? Tất nhiên, sẽ không bao giờ.

Vì thế, ngoài yêu cầu chiến thuật, tức là phải bố trí lực lượng để bảo vệ hệ thống vũ khí trang bị hiện đại tiên tiến thì quân đội chính phủ phải nâng cao ý chí, bản lĩnh chiến đấu. Đặc biệt với những đơn vị được trang bị vũ khí tối tân hiện đại thì đặt nặng kỷ luật chiến trường và phải là lực lượng trung thành, ít nhất là phá hủy để không để lọt vào tay giặc.

Với vũ khí công nghệ cao thì luôn đem đến sự nguy hiểm cho kẻ thù, nhưng sự nguy hiểm đó sẽ nhằm vào chúng với mức độ gấp bội khi vũ khí công nghệ cao đó bị kẻ thù bắt bài, điều khiển.

Không thể phủ nhận quân đội chính phủ đã có những lực lượng, đơn vị thiện chiến, trung thành, có bản lĩnh chiến trận như lữ đoàn 103 hay những người lính đã chiến đấu trong vòng vây suốt 2 năm trời tại sân bay chiến lược Aleppo. Không thể phủ nhận dưới sự không kích của không quân-vũ trụ Nga, quân đội Assad đã được củng cố lòng tin, đã chiến thắng trận này đến trận khác…Nhưng để độc lập tác chiến, bảo vệ thành quả sau khi Nga kết thúc không kích, hỗ trợ trên không, trước một một đội quân khủng bố đông, liều lĩnh thì quân đội chính phủ phải có vũ khí trang bị tối tân hiện đại, phải biết khai thác sử dụng thành tạo và đặc biệt là phải biết bảo vệ bí mật công nghệ của loại vũ khí của mình quản lý, sử dụng.

“Càng đánh càng mạnh” là nguyên tắc bất di bất dịch của sách lược tổ chức xây dựng lực lượng để giành thắng lợi trong chiến tranh. Nếu không làm được điều đó, nếu kỷ luật chiến trường không nghiêm khắc, thì quân đội chính phủ Syria không thể đương đầu, bảo vệ thành quả trong tình thế chiến trường, lãnh thổ Syria đã đang phân mảnh nghiêm trọng hoặc ít nhất trong tình thế hiện nay, họ chưa thể là lực lượng mặt đất mạnh nhất, đáng tin cậy nhất.

Để giành chiến thắng có tính chiến lược tạo lợi thế cho giải pháp chính trị sắp tới, quân đội của chính phủ Syria sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt