1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm yếu của hạm đội tàu chiến tại châu Á

(Dân trí) - Trong khi Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD để tái cơ cấu và nâng cấp quân đội thì những điểm yếu trong cạnh tranh năng lực quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là tâm điểm đáng chú ý.

Tàu “ma” BRP Sierra Madre


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Không gì có thể minh họa sự trái ngược Biển Đông rõ ràng hơn chiếc tàu cũ BRP Sierre Madre của hải quân Philippines, mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây từ năm 1998. Hình ảnh chiếc tàu cũ nát trái ngược hoàn toàn với gần 13.000km2 mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở cùng khu vực.

Con tàu đã quá gỉ sét song vẫn có một đơn vị nhỏ binh sĩ Philippines đang đóng quân trên tàu này. Đây đã trở thành một tiền đồn đóng quân, phục vụ tuyên bố chủ quyền của Manila trong khu vực quần đảo Trường Sa. Hồi năm ngoái, Philippines tuyên bố tiến hành gia cố chiếc tàu quân sự cũ nát này. Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối gay gắt, cho rằng đây là cái cớ để Manila duy trì tiền đồn quân sự.

Theo báo cáo, con tàu BRP Sierre Madre tiêu tốn của chính phủ Philippines 3,6 triệu peso (tương đương gần 77.000 USD) cho mỗi lần tiếp tế, khoảng 3-5 tháng/lần.

Tàu BRP Rajah Humabon


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Tàu BRP Rajah Humabon của Hải quân Philippines là một tàu khu trục cũ của Mỹ, ra mắt vào năm 1943. Tàu được trang bị hệ thống vũ khí từ Thế chiến II và hầu như không được nâng cấp. Đây hiện là một trong những tàu chiến già nua nhất thế giới, nhưng vẫn chưa được cho “nghỉ hưu”. Chỉ tính riêng thời gian phục vụ cho Hải quân Philippines, đến nay BRP Rajah Humabon đã hoạt động được 36 năm.

Chính phủ Philippines phải chi khoảng 20 triệu peso (khoảng 428.000 USD) cho việc duy trì, bảo dưỡng con tàu già nua này.

Tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

Tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet của Hải quân Hoàng gia Thái Lan được neo đậu tại căn cứ hải quân Sattahip, phía nam thủ đô Bangkok. Tàu này không có máy bay và chủ yếu được “trưng bày” tại cảng từ năm 1997. HTMS Chakri Naruebet đôi khi được sử dụng trong các hoạt động cứu trợ thiên tai, chở gia đình hoàng gia. Hồi tháng trước, con tàu đã tham gia cuộc tập trận chống tàu ngầm cùng với Hải quân Mỹ.

Thái Lan đã chi 230 triệu USD để mua tàu sân bay HTMS Chakri Naruebet. Đường băng trên tàu quá ngắn nên không máy bay nào ngoài máy bay trực thăng có thể đáp trên tàu.

Tàu sân bay Trung Quốc


(Ảnh: Getty)

(Ảnh: Getty)

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ngay cả khi hoạt động hết công suất, nó cũng không được kì vọng sẽ thực hiện các hoạt động tầm xa tương tự như các tàu sân bay lớp NIMITZ của Mỹ. Kích thước nhỏ hơn Liêu Ninh của giới hạn số lượng máy bay mà nó có thể mang theo, cũng như giới hạn lượng nhiên liệu và tải trọng vũ khí.

Trung Quốc đã bỏ ra 20 triệu USD để mua tàu Liêu Ninh từ một xưởng đóng tàu ở Ukraine năm 1998.

Chiến hạm USS Fort Worth Mỹ đồn trú ở Biển Đông


(Ảnh: AFP)

(Ảnh: AFP)

Chiến hạm mới nhất của Hải quân Mỹ được thiết kế để di chuyển trong vùng nước cạn, săn tàu ngầm. Đây là giải pháp hoàn hảo cho quân đội Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, trừ việc nó liên tục gặp sự cố.

Hồi tháng 1, tàu USS Fort Worth đã được đưa trở lại căn cứ ở San Diego sau khi bị hỏng động cơ do thiếu dầu bôi trơn. Đây là lần thứ 2 tàu USS Fort Worth này gặp sự cố chỉ trong vòng một tháng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai tàu của Hải quân Mỹ.

Việc sửa chữa con tàu này ước tính sẽ ngốn khoảng 20-30 triệu USD.

Nhật Minh

Theo Bloomberg