“Điểm danh” các nước bị tác động mạnh nhất bởi thay đổi khí hậu
(Dân trí) - Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia chịu tác động nhiều nhất khi khí hậu thay đổi và mực nước biển dâng cao.
Tuvalu. Quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương được tạo nên bởi 9 đảo san hô vòng. Gần đây, nước biển dâng cao đã xâm lấn Funafuti - đảo san hô vòng lớn nhất quốc đảo này.
Đảo san hô vòng Funafuti, nơi sinh sống của một nửa trong tổng số 12.000 dân của Tuvalu.
Maldives. Mực nước biển tăng cũng đe dọa các quốc đảo khác như Maldives - quốc gia “thấp nhất” thế giới. Hiện các đảo của Maldives chỉ cao hơn mực nước biển 2m.
Maldives gần đây đã tổ chức cuộc họp nội các dưới biển nhằm nêu bật nguy cơ mực nước biển tăng cao, đe dọa sự sống còn của đảo quốc này.
Kiribati. Quần đảo Kiribati ở Thái Bình Dương cũng có nguy cơ bị nhấn chìm trong nước biển.
Tổng thống Kiribati Anote Tong cho hay: “Trong những năm qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng tại các khu vực ven biển do thủy triều lên cao”.
Tanzania. Theo bộ trưởng môi trường Tanzania Batilda Buran, ảnh hưởng của thay đổi khí hậu với nước này là rất lớn. Khoảng 80% các sông băng trên đỉnh núi Kilimanjaro đã tan chảy trong hơn 50 năm qua.
Một tảng băng trơ trọi trên núi Kilimanjaro, nơi trước kia được phủ kín bởi các sông băng.
Barbados. Christopher Hackett, đại diện thường trực của Barbados tại Liên Hợp Quốc, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều cơn bão lớn, nước biển gia tăng, sự xói mòn bờ biển, san hô chết hàng loạt và những ảnh hưởng tiêu cực khác”. Nếu nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên, quốc đảo vùng Caribê này sẽ còn đối mặt với nhiều nguy cơ.
San hô chết hàng loạt cũng là một vấn đề lớn xảy ra tại nhiều khu vực khác, đặc biệt ở Ấn Độ Dương. Cái chết của những rặng san hô lớn đã được ghi nhận tại Maldives, Sri Lanka, Kenya, Tanzania và quần đảo Seychelles.
Bangladesh. Ngoại trưởng Bangladesh Dipu Moni cho hay, theo dự đoán của các chuyên gia, đến năm 2050, khoảng 20 triệu dân nước này sẽ bị mất nhà cửa do ảnh hưởng của thay đổi khí hậu.
Khi mức nước biển tăng lên 1m, 30% diện tích Bangladesh sẽ bị chìm trong nước biển, ảnh hưởng tới cuộc sống của 40 triệu người.
Tại Nepal, các sông băng tan chảy khiến lũ lụt, lở đất, hạn hán xảy ra thường xuyên.
Chính phủ Nepal mới đây đã tổ chức cuộc họp nội các trên đỉnh Everest để nhấn mạnh ảnh hưởng của thay đổi khí hậu với các sông băng.
Bhutan cũng đối mặt với các mối đe dọa tương tự như quốc gia láng giềng Nepal.
Việt Nam cũng là một trong những bị tác động nhiều nhất bởi thay đổi khí hậu. Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu: “Thay đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới Việt Nam, làm cho thiên tai - đặc biệt là bão, lũ, lụt, hạn hán - ngày càng gia tăng về tần suất”.
Cũng theo ông Lai, thay đổi khí hậu đã khiến trăm người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng chục triệu USD cho Việt Nam mỗi năm.
Kenya bị hạn hán kéo dài, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Rwanda cũng nằm trong những nước dễ bị tổn thương bởi thay đổi khí hậu. Bộ trưởng môi trường Rwanda Vincent Karega nói: “Những ảnh hưởng tiêu cực của thay đổi khí hậu sẽ tác động tới cuộc sống của người dân nước này hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên hành tinh”.
An Bình
Theo Telegraph