Điểm bất thường trong vụ rơi máy bay Trung Quốc, phi công có thể bất tỉnh
(Dân trí) - Các chuyên gia đã chỉ ra những điểm bất thường khi tìm cách lý giải nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay chở 132 người ở Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc ngày 21/3 đưa tin, máy bay Boeing 737 của hãng hàng không China Eastern chở 132 người đã rơi ở khu vực sườn núi tại thành phố Ngô Châu, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, máy bay chở 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn.
Đội cứu hộ đã được triển khai nhanh chóng tới hiện trường, tuy nhiên các nạn nhân được cho là đã thiệt mạng. Hãng hàng không cũng đã xác nhận có người thiệt mạng sau thảm họa hàng không được cho là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên tại Trung Quốc.
Theo SCMP, đoạn video được cho là ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của chiếc Boeing 737 cho thấy, máy bay gần như lao xuống đất theo hướng thẳng đứng.
Trong khi cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc bắt đầu cuộc điều tra về vụ rơi máy bay, các chuyên gia về an toàn hàng không cũng đã nghiên cứu đoạn video và dữ liệu chuyến bay để tìm ra manh mối về nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn.
"Điều đầu tiên các nhà điều tra phải xác định là: máy bay có nguyên vẹn trước khi chạm đất, hay một bộ phận nào đó đã rơi khỏi máy bay trước đó? Dữ liệu video cho tôi thấy, máy bay còn nguyên vẹn trước khi rơi", Juan Browne, một phi công Boeing 777 và là nhà phân tích các sự cố hàng không, cho biết.
Theo dữ liệu từ trang web chuyên theo dõi chuyến bay, máy bay Boeing 737 từ Côn Minh đi Quảng Châu đã hạ độ cao đột ngột trước khi biến mất ở khu vực rừng núi Quảng Tây. Các dữ liệu chuyến bay ngừng cập nhật từ 14h22 phút ngày 21/3 theo giờ địa phương, khi máy bay có tốc độ bay khoảng 696 km/h.
Dữ liệu do Flightradar24 thu được cho thấy, khoảng hơn một tiếng sau khi cất cánh, máy bay bất ngờ lao xuống từ độ cao gần 9.000 m. Chỉ khoảng 2 phút 15 giây sau, máy bay đã giảm xuống còn hơn 2.700 m. Trong 20 giây tiếp theo, độ cao cuối cùng được ghi nhận là gần 1.000 m, trước khi máy bay đâm vào sườn núi.
Theo chuyên gia Browne, "cực kỳ hiếm" xảy ra trường hợp một máy bay lao xuống gần như thẳng đứng như vậy. Browne nhận định, khi kiểm tra đống đổ nát tại hiện trường, các nhà điều tra sẽ đặc biệt tập trung vào bộ phận kiểm soát độ cao của mũi máy bay.
Jean-Paul Troadec, cựu giám đốc Cục Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng của Pháp, nói rằng dữ liệu đường bay của chiếc Boeing 737 "rất bất thường", nhưng hiện vẫn còn "quá sớm" để đưa ra kết luận.
Các nhà điều tra vẫn chưa công bố thông tin về việc đã tìm thấy hộp đen máy bay hay chưa. Đây là thiết bị được bảo vệ nghiêm ngặt, ghi lại các thông tin như hoạt động của máy bay, thao tác của phi công và âm thanh buồng lái.
Các nhà điều tra cũng có thể phân tích đoạn video được ghi lại từ camera an ninh do một công ty khai thác mỏ địa phương vận hành. Video camera hành trình từ một xe ô tô gần hiện trường cũng có thể cung cấp thêm cảnh quay về vụ tai nạn từ một góc độ khác.
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cho biết họ "sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực điều tra nếu được yêu cầu", trong khi Boeing thông báo đang làm việc và sẵn sàng hỗ trợ China Eastern Airlines.
Trang tin The Sun dẫn lời chuyên gia hàng không Sally Gethin cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn, nhưng một số khả năng có thể xảy ra là trục trặc với phần đuôi máy bay, yếu tố thời tiết hoặc vô số vấn đề có thể ảnh hưởng đến máy bay, chẳng hạn một vụ cháy nhỏ trên khoang hoặc vấn đề về hệ thống dây điện.
Theo bà Gethin, 132 người trên máy bay có thể đã đối mặt với cú lao xuống đất kinh hoàng kéo dài khoảng 2 phút. Do lực ép quá lớn khiến máu dồn lên não của họ, phi công và các hành khách có thể bất tỉnh.
Tuy nhiên, dữ liệu chuyến bay cho thấy, trong quá trình lao xuống, có khoảng 10-20 giây phi công lấy lại được nhận thức và cố gắng tìm cách cứu máy bay nhưng không thành công.
Chuyên gia Gethin nhấn mạnh rằng cho đến nay, chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có âm mưu phía sau vụ việc hay đây là vụ tai nạn có chủ đích. Tuy nhiên, bà cho rằng các phi công có thể gặp phải "hiệu ứng giật mình".
"Các phi công đã được đào tạo rất nhiều, nhưng phần lớn là trong các chương trình mô phỏng. Còn trong điều kiện thực tế, họ có thể bị choáng hoặc mất phương hướng trước những tình huống bất ngờ. Đây được gọi là hiệu ứng giật mình và rất khó để huấn luyện phi công về điều đó", bà Gethin nói.
Theo bà Gethin, ngay cả những phi công giàu kinh nghiệm cũng có thể "mất cảnh giác" và đó là lúc họ có thể đưa ra những phán đoán sai, dẫn đến tai nạn. Các vụ tai nạn thường xảy ra khi máy bay vừa cất cánh hoặc chuẩn bị hạ cánh, khác với vụ việc lần này ở Trung Quốc. Do vậy, vụ việc càng trở nên bí ẩn hơn.
Theo dữ liệu bay, không có thông tin nào cho thấy phi công của máy bay đã liên lạc với mặt đất trước vụ tai nạn. Wang Yanan, tổng biên tập một tờ báo chuyên về hàng không tại Bắc Kinh, nhận định máy bay có thể đã mất nguồn điện khi đang ở tọa độ bay, khiến phi công mất kiểm soát máy bay. Đây là một trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng, nếu xảy ra, máy bay chắc chắn sẽ rơi xuống với tốc độ cao.
Các nguồn tin ở Trung Quốc cho biết, có 3 phi công trên chuyến bay gặp nạn, trong đó có 2 người nhiều kinh nghiệm và một người tập sự. Cơ trưởng được cho là có khoảng 7.000 giờ bay, cơ phó có khoảng 30.000 giờ bay, trong khi phi công tập sự chỉ có vài trăm giờ bay. Chuyên gia Gethin cũng chỉ ra sự bất thường khi cơ phó lại có nhiều giờ bay hơn cơ trưởng trên chuyến bay.