“Điềm báo” sau quyết định hủy chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ
(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ hủy chuyến thăm Triều Tiên, dự kiến diễn ra trong tuần này, của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã làm dấy lên nhiều quan ngại về diễn biến xấu đi của các cuộc đàm phán hạt nhân cũng như nguy cơ làm chệch hướng những tiến triển đạt được trong quan hệ song phương suốt mấy tháng qua.
"Tôi đã đề nghị Ngoại trưởng Mike Pompeo không tới Triều Tiên vào thời điểm này bởi vì tôi cảm thấy chúng tôi không đạt được tiến triển đáng kể trong việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên", ông Trump viết trên Twitter hôm 24/8, chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Pompeo dự định thăm Triều Tiên lần 4.
Ngoại trưởng Pompeo và đặc phái viên mới được bổ nhiệm về đàm phán hạt nhân với Triều Tiên Stephen Biegun theo kế hoạch sẽ tới Bình Nhưỡng trong tuần này để tiến hành cuộc đàm phán thứ 4 với Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Tổng thống Trump dường như không hài lòng với những tiến bộ ít ỏi đạt được trong việc hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau hơn 2 tháng kể từ khi ông gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo cây bút Alex Ward của hãng tin Vox, cả những nguồn tin của Mỹ và Hàn Quốc am hiểu về các cuộc đàm phán ngoại giao song phương đều xác nhận rằng chính quyền Trump “thất vọng” khi các bên không đạt được nhiều tiến triển trong việc dỡ bỏ các quả bom hạt nhân của Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump được cho là đã nổi đóa khi truyền thông đưa tin tiêu cực về các nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên.
Cho đến nay, Triều Tiên vẫn liên tục từ chối đề nghị của Ngoại trưởng Pompeo về việc giao nộp 60-70% số đầu đạn hạt nhân của nước này trong vòng 8 tháng. Cả hai nước vẫn chưa đi đến thống nhất về việc ký kết hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng chưa thể thuyết phục Bình Nhưỡng công bố danh sách với thông tin chi tiết về quy mô của kho vũ khí hạt nhân cho Washington.
Quyết định hủy chuyến đi vào phút chót của Tổng thống Trump được xem là rào cản đầu tiên cho đối thoại Mỹ - Triều kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Biegun có tiếp tục tới Triều Tiên một mình mà không cần Ngoại trưởng Pompeo hay không. Tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy là quyết định của ông Trump có thể ảnh hưởng tới hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng tới.
Mặc dù đã thông báo quyết định hủy chuyến đi, nhưng Tổng thống Trump có thể đổi ý như cách ông từng làm trước đây. Hồi tháng 5, ông Trump từng bất ngờ hủy kế hoạch gặp ông Kim Jong-un khi cuộc gặp này dự kiến diễn ra 2 tuần sau đó. Tuy nhiên tới ngày 1/6, ông lại thay đổi quyết định và thông báo vẫn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Xét ở thời điểm hiện tại, quyết định của Tổng thống Trump có thể là “cú sốc” với Ngoại trưởng Pompeo, người đang nỗ lực đàm phán với Triều Tiên, đồng thời là khởi đầu không suôn sẻ của đặc phái viên về Triều Tiên mới được bổ nhiệm. Tệ hơn, nếu các cuộc đàm phán đổ vỡ, Tổng thống Trump có thể sẽ cân nhắc các biện pháp mới với Triều Tiên, chẳng hạn các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc hơn hoặc thậm chí là một phương án quân sự.
Sự bế tắc trong đàm phán hạt nhân
Theo giới chuyên gia, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đang rơi vào thế bế tắc.
Mỹ muốn Triều Tiên công khai toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này. Điều đó đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng phải thông báo cho Washington biết họ có bao nhiêu tên lửa và bom hạt nhân cũng như vị trí của tất cả các cơ sở hạt nhân. Việc nắm trong tay thông tin chính xác về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ cho phép Mỹ giám sát tốt hơn về việc liệu Bình Nhưỡng có thực sự giải giáp loại vũ khí này hay không và tộc độ giải giáp nhanh tới mức nào.
Theo các chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ Triều Tiên hiển nhiên sẽ đắn đo khi bàn giao một danh sách như vậy cho Mỹ. Nếu Bình Nhưỡng tiết lộ cho Washington biết toàn bộ kho vũ khí hạt nhân nằm ở đâu, Triều Tiên có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của một vụ tấn công. Chính quyền Kim Jong-un, vốn trông cậy phần lớn vào chương trình hạt nhân để bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm lược từ bên ngoài, sẽ suy yếu đáng kể nếu phải phá hủy kho vũ khí hạt nhân.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức Triều Tiên liên tục bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Pompeo về việc bàn giao 60-70% số đầu đạn hạt nhân của nước này trong vòng 8 tháng. Thậm chí, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân trong suốt quá trình đàm phán.
Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, chính quyền Triều Tiên vẫn đang chờ đợi việc ký kết hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên ở giai đoạn này, Mỹ dường như chưa muốn đặt bút ký vào hiệp ước.
Các chuyên gia nhận định điều khiến Mỹ chần chừ trong việc ký hiệp ước hòa bình là lo ngại Triều Tiên sẽ yêu cầu rút 28.500 binh sĩ Mỹ ra khỏi Hàn Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ, đang trông cậy vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
Để giải quyết bế tắc, Mỹ có thể sẽ đề xuất một lộ trình từng bước với kết quả cuối cùng là Mỹ và các bên sẽ ký hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu kịch bản này xảy ra, Triều Tiên có thể sẽ sẵn sàng bàn giao ít nhất một phần của danh sách hạt nhân như một động thái xây dựng lòng tin giữa hai nước. Khi Triều Tiên giải giáp càng nhiều vũ khí, Mỹ sẽ càng tiến gần hơn đến việc ký hiệp ước hòa bình chính thức.
Hiện chưa rõ liệu Mỹ có sẵn sàng đi theo kịch bản trên để phá vỡ thế bế tắc hiện nay hay không, hay liệu Triều Tiên có đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào hay không. Trong khi đó, chính quyền Trump được cho là đã chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng để gây sức ép với Bình Nhưỡng nếu các cuộc đàm phán tiếp tục chững lại.
Theo một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, giới chức Mỹ đã xem xét các biện pháp nhằm tiếp tục gây sức ép về kinh tế đối với Bình Nhưỡng. Hai đề xuất đang được xem xét gồm: Mỹ sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh cấm vận dầu và khí đốt toàn phần với Triều Tiên, hoặc Mỹ sẽ xử phạt nhiều công ty và có thể là các ngân hàng Trung Quốc với cáo buộc giúp Triều Tiên rửa tiền. Một số chuyên gia lo ngại, sự đổ vỡ về chính sách ngoại giao có thể thôi thúc một số quan chức cứng rắn của Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, tính đến việc tiến hành tấn công quân sự Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Vox