1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Di sản của Tổng thống Musharraf sau gần 1 thập kỷ cầm quyền

(Dân trí) - Trong suốt gần một thập kỷ, ông Musharraf là nhân vật quyền lực nhất tại Pakistan. Quyết định từ chức của ông là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên của đất nước Nam Á hiện đang phải đối mặt với những thách thức an ninh và kinh tế to lớn.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp ngày 18/8, Tổng thống Pervez Musharraf đã công bố quyết định từ chức giữa lúc ông có nguy cơ phải đối mặt với kế hoạch luận tội của liên minh cầm quyền. 

Nhưng ông Musharraf sẽ được người ta nhớ tới bởi nhiều điều. Ông đã lật đổ một chính phủ được bầu trong cuộc đảo chính quân sự năm 1999. Ông đã đưa Pakistan tới bờ vực của một cuộc chiến với Ấn Độ, và chỉ khởi động một tiến trình hoà bình vài năm sau đó.

Sau các cuộc tấn công ngày 11/9/2001 tại New York và Washington, ông Musharraf đã dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Washington và trở thành một nhân vật quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu.

 

Cuộc chiến chống khủng bố

 

Tổng thống Musharraf cũng là người có đóng góp to lớn cho việc hiện đại hoá nhiều lĩnh vực trong xã hội Pakistan.

 

Nhưng ông Musharraf đã không dung hoà với phe đối lập và làm suy yếu các thể chế quốc gia quan trọng. Và cuối cùng, Tổng thống Musharraf đã trở thành người ngạo mạn khi cho rằng ông là người không thể thiếu được và ông không làm gì sai cả.

 

Ông Musharraf từ chức, để lại một Pakistan yếu ớt và chia rẽ hơn so với cách đây gần 10 năm khi ông lên nắm quyền.

 

“Sự nhận xét đối với ông Musharraf trong tương lai sẽ công bằng hơn so với hiện tại”, Mushahid Hussein, một đồng minh chính trị hàng đầu của ông Musharraf, nói. “Nhiều điều tốt đẹp đã đến với Pakistan khi ông nắm quyền và tôi nghĩ đó là điều mà các sách lịch sử sẽ nhắc tới một lúc nào đó”.

 

Nghị sĩ Enver Beg của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) có quan điểm đối lập: “Các sử gia sẽ không tha thứ cho ông ta. Ông Musharraf đã thao túng các cuộc bầu cử, loại bỏ các đối thủ và trở thành một nhà độc tài”.

 

Quyết định quan trọng nhất với thế giới của ông Musharraf là trở thành đồng minh thân cận của ông chủ Nhà Trắng George Bush và nước Mỹ sau sự kiện 11/9/2001. Ông Musharraf đã không chú ý tới Taliban tại Afghanistan và hợp tác chặt chẽ với người Mỹ để đuổi bắt các thành phần Hồi giáo cực đoan.

 

Đổi lại, Washington đã viện trợ Pakistan hơn 10 tỷ USD, hầu hết là dành cho quân sự, kể từ năm 2001. Nhưng nhiều lợi ích từ liên minh chiến lược này đã bị lãng phí.

 

Các khu vực biên giới lộn xộn của Pakistan gần Afghanistan vẫn trở thành nơi ẩn náu cho al-Qaeda và một nhóm nổi dậy Taliban mới ở bên trong Pakistan đã dần dần mạnh lên.

 

Hợp tác quân sự với Mỹ cũng không hiệu quả. Trên cương vị là một Tổng thống, ông Musharraf chưa bao giờ cố gắng thuyết phục người dân đất nước Pakistan rằng ông đang làm nhiều hơn là chiến đấu vì một cuộc chiến của một ai đó.

 

“Ông ấy chưa bao giờ làm người Pakistan nghĩ rằng chúng tôi đang chiến đấu vì đất nước của chúng tôi và vì điều tốt đẹp cho chính chúng tôi”, nhà phân tích quân sự, trung tướng về hưu Talat Masood nhận xét.

 

“Quân đội Pakistan trở thành một quân đội khách hàng và Pakistan trở thành một quốc gia khách hàng trong mắt của mọi người. Đó là một sự thất bại lớn đối với ông Musharraf”.

 

Ở biên giới phía đông của Pakistan, mối quan hệ với Ấn Độ cũng không ổn định. Với tư cách là Tổng tư lệnh quân đội, Tướng Musharraf đã “khơi mào” cuộc xung đột tại Kargil năm 1999, ngay trước cuộc đảo chính quân sự của ông. Các binh sĩ Pakistan và phiến quân Kashmir đã thâm nhập lãnh thổ Ấn Độ, trước khi Mỹ gây sức ép buộc họ phải rút quân.

 

Xuống dốc

 

Và sau đó, một cuộc tấn công có vũ trang vào quốc hội Ấn Độ ở Delhi năm 2001 đã gây ra một cuộc triển khai quân nhanh chóng ở cả biên giới hai nước Pakistan-Ấn Độ và đẩy 2 quốc gia láng giềng châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân cận kề chiến tranh.

 

Từ năm 2004, hai nước đã hướng tới một tiến trình hòa bình. Với sự nỗ lực của cá nhân ông Musharraf, hai nước đã kí kết lệnh ngừng bắn và tiến hành một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin.

 

Nhưng khi ông Musharraf rời nhiệm sở, quan hệ với Ấn Độ lại rơi xuống một sự sa sút khác. Chính phủ Ấn Độ tin rằng, một vụ đánh bom liều chết do các phiến quân Hồi giáo thực hiện nhằm vào đại sứ quán Ấn Độ tại thủ đô Kabul, Afghanistan hồi tháng trước là do các tình báo Pakistan dàn xếp.

 

Trong những năm đầu nắm quyền, ông Musharraf dường như đã hứa hẹn hi vọng về một sự khởi đầu mới và một chương trình nghị sự đổi mới. Ông đã tự do hoá nền kinh tế và truyền thông điện tử. Tổng thống Musharraf đã ủng hộ việc trao thêm quyền lực cho phụ nữ và nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Ông Musharraf cũng tạo ra sự khác biệt khi rời văn phòng tổng thống mà không có cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng nào chống lại ông. Tại Pakistan, đó là một hiện tượng tương đối hiếm.

 

Nhưng trong 18 tháng qua, ông Musharraf rõ ràng là đã thất bại vì quá hăm hở. Ông đã nghĩ rằng ông có thể kiểm soát bộ máy luật pháp, quốc hội và bất cứ ai không đồng tình với ông.

 

“Ngạo mạn”

 

Ông Musharraf đã sa thải bộ trưởng tư pháp, áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và thiết kế sự tái ứng cử của riêng mình để đắc cử tổng thống thêm một lần nữa. “Ông ấy quá ngạo mạn, kiêu căng”, đồng minh chính trị Mushahid Hussein nói.

 

Những người chỉ trích cho rằng một trong những điều tổn hại nhất tới di sản của Tổng thống Musharraf là thái độ coi nhẹ đối với các thể chế dân sự, làm tổn hại tới nhà nước Pakistan. Ông Musharraf đã mở rộng sự ảnh hưởng của quân đội tới tất cả các ngõ ngách của đời sống.

 

“Ông ấy không hiểu tầm quan trọng của các thể chế khác”, nhà phân tích quân sự, trung tướng về hưu Talat Masood nhận xét. “Ông ấy không hiểu rằng một đất nước với 160 triệu dân không thể do chỉ một người đàn ông thống trị”.

 

Ở một khía cạnh nào đó, ông Musharraf là nạn nhân của sự thành công của chính ông.

 

Kỷ nguyên Musharraf đã chứng kiến sự nổi lên của một tầng lớp lao động quyết đoán hơn, những người đã đi đầu của các nhóm biểu tình chống lại quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp của ông Musharraf.

 

Trong những tháng cuối cùng của sự nghiệp tổng thống, những thành tựu kinh tế mà ông Musharraf tự nhận là công của riêng ông đã bị lu mờ bởi cuộc khoảng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng.

 

Lạm phát của Pakistan trong tháng 7 đã lên mức trên 24% trong khi đồng rupee xuống thấp kỷ lục do cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

 

“Ông ấy đã “ngồi lì” ở chiếc ghế tổng thống. Đã đến lúc cuộc sống không có Musharraf, đã đến lúc tiến lên”, Enver Beg thuộc đảng PPP nói.

 

VTH

Theo BBC